Tin tức - Sự kiện

Phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hoạt động truyền thông tài nguyên và môi trường

09:23, 07/04/2020

Ngày 31/3/2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 814/QĐ-BTNMT ban hành Quy chế hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường và thay thế Quy chế hoạt động truyền thông ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-BTNMT ngày 27/7/2018.
 

1

Ảnh minh họa (nguồn: Sở TN&MT Nình Bình)


Mục tiêu việc sửa đổi và ban hành Quy chế truyền thông nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; da dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường; phối hợp các cơ quan, tổ chức quốc tế trong hoạt động truyền thông tài nguyên và môi trường.

Về sự cần thiết ban hành Quy chế mới này, đánh giá thực tiễn sau gần 2 năm tổ chức thực hiện Quy chế hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường (ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-BTNMT ngày 27/7/2018) cho thấy, hoạt động truyền thông của Bộ đã có những kết quả bước đầu. Nổi bật là các sự kiện, hoạt động truyền thông của Bộ được đưa vào kế hoạch và tổ chức thực hiện theo quy trình, có sự tham gia phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ nhằm nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa của các sự kiện truyền thông… Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong việc thống nhất nội hàm giữa truyền thông và phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông có tính đột xuất, bất thường; việc xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; trách nhiệm của đơn vị có chức năng thực hiện tác nghiệp truyền thông, nhất là nhiệm vụ truyền thông có tính đột xuất; chất lượng truyền thông chưa cao;...

Khắc phục các hạn chế nêu trên, đồng thời căn cứ thực tế thực hiện và đề xuất của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định số 814/QĐ- BTNMT thay thế Quyết định nêu trên với những điểm mới cơ bản như sau: (i) xác định rõ thời gian xây dựng kế hoạch truyền thông thường xuyên “trước ngày 10 tháng 6, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì, phối hợp Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường xây dựng kế hoạch nhiệm vụ truyền thông cho năm kế tiếp”. (ii) quy định rõ việc thực hiện kế hoạch truyền thông đột xuất “Trong thời hạn 24 giờ kể từ sau khi xảy ra sự việc phải tổ chức truyền thông đột xuất, đơn vị chủ trì, phối hợp Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trình Bộ trưởng, Thứ trưởng xem xét, quyết định; tổ chức thực hiện đảm bảo nội dung, hình thức, kịp thời, chất lượng và hiệu quả”. (iii) điều chỉnh thời gian trình Bộ phê duyệt Kế hoạch tổ chức Ngày thành lập, Ngày truyền thống, sự kiện tài nguyên và môi trường theo quy mô là 60, 45, 30 ngày (trước đây là 90, 60 và 30 ngày); đối với Giải thưởng, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, tọa đàm là 45 ngày (trước là 60 ngày); (iv) trong việc tổ chức thực hiện, quy định rõ trách nhiệm tham gia của đơn vị có chức năng thông tin, tuyên truyền, tổ chức sự kiện truyền thông như Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Cổng Thông tin điện tử Bộ, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, nhất là trong hoạt động truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. (v) quy định hằng tháng, các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp thông tin cho báo chí. (vi) đặc biệt, Quy chế bổ sung 01 Điều về đánh giá kết quả, cụ thể: Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tự chấm điểm đánh giá kết quả công tác truyền thông theo các tiêu chí, thang điểm. Kết quả thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là một trong những tiêu chí trọng tâm để chấm điểm, đánh giá xếp loại hoạt động truyền thông.

Các nội dung chính của Quy chế hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020 gồm:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1): Quy chế quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động truyền thông về tài nguyên và môi trường.

Các hoạt động truyền thông tài nguyên và môi trường (Điều 3) gồm:  Truyền thông phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường (trong đó có tuyên truyền tham vấn cộng đồng trước khi ban hành chính sách, pháp luật; Phổ biến chính sách, pháp luật); Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường (tổ chức Ngày kỷ niệm, Ngày truyền thống, sự kiện tài nguyên và môi trường; giải thưởng, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, tọa đàm); Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông cụ thể cho: Kế hoạch truyền thông thường xuyên (Điều 4); Kế hoạch truyền thông đột xuất (Điều 5); Truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường (Điều 6); Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường  (Điều 7); Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 8).

Việc đánh giá kết quả (Điều 9) quy định trước ngày 25 của tháng cuối Quý, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tự chấm điểm đánh giá kết quả công tác truyền thông theo các tiêu chí, thang điểm (100 điểm) gửi về Bộ (qua Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền).

Bộ trưởng giao Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế; tổng hợp các kiến nghị, khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ trưởng xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế.


File đính kèm: Quyết định số 814/QĐ-BTNMT ngày 31/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành Quy chế hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

CTTĐT Bộ TN&MT