Thực hiện Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, sáng 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự tham dự của Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại điểm cầu địa phương, có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu Quốc hội.
Tại điểm cầu địa phương, có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu Quốc hội.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến
Phát biểu khai mạc tại hội nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2020 là năm “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016-2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn đến năm 2030, 2045; đây cũng là năm Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nhiều quốc gia, sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên, tác động đến môi trường. Đặc biệt, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu tăng trưởng, đến từng người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, bao gồm các chính sách về: miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giảm thuế môi trường, cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ cụ thể hoá hơn nữa chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kiến tạo thêm động lực cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trong đó, Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính về: Lấy các ý kiến, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Lấy ý kiến các đại biểu về các vấn đề quan trọng, lâu dài đặt ra đối với ngành, để đóng góp vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể chế trong pháp luật để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn mới, đặc biệt là vấn đề đất đai, nội dung của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Cũng tại Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, là cơ quan được Quốc hội giao thẩm tra Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện dự án Luật. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.
Sau khi nghe Báo cáo các nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ mội trường (sửa đổi); Báo cáo về những nội dung đã giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật đất đai. Hội nghị trực tuyến đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cho dự thảo Luật tập trung vào các nội dung như: Khi đã phân cấp trong tháo gỡ đầu tư công thì đề nghị Bộ ủy quyền đồng bộ; Bộ cần tăng cường thanh kiểm tra các địa phương về bảo đảm môi trường; Việc sửa đổi cần khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Điều chỉnh nội dung về BVMT trong các luật khác với tinh thần đánh giá kỹ, không làm xáo trộn ảnh hưởng các Luật chuyên ngành; Kinh phí sử dụng cho sự nghiệp môi trường còn chưa đảm bảo…. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp nghiên cứu tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Trung tâm Truyền thông TN&MT