Đơn vị môi trường có quyền từ chối thu gom rác nếu người dân không phân loại tại nguồn và sử dụng bao bì đúng quy định.
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Thường vụ Quốc hội mới đây đưa ra quy định quản lý chất thải từ khi phát sinh, thu gom, đến tái chế, tiêu hủy theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền".
VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường).
- Dự thảo Luật cụ thể hóa nội dung nêu trên như thế nào, thưa ông?
Dự thảo Luật đưa ra quy định cụ thể với từng loại, như chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường; ở đây tôi tập trung nói về chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Trước hết là yêu cầu mỗi gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chia làm bốn nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Chất thải nguy hại tại hộ dân được quy định như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.
Căn cứ trên yêu cầu đó, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa. Các hộ dân phải mua loại bao bì theo quy định để sử dụng trong quá trình thu gom, đổ rác của mình.
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng cục trưởng Môi trường. Ảnh: Gia Chính
- Đâu là cơ sở để đưa ra đề xuất tính phí xử lý rác qua hình thức bán bao bì?
Lâu nay việc phân loại chất thải tại nguồn chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa xây dựng được động cơ và chế tài cụ thể. Trong khi đó, hầu hết kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý được chi trả bởi ngân sách nhà nước; kinh phí thu từ các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt mới chỉ bù đắp được một phần.
Tại các địa phương, việc thu nguồn kinh phí này hầu hết áp dụng bình quân theo hộ gia đình; một số nơi thu theo số nhân khẩu mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Như vậy, nhiều người dân sẽ không chú ý đến việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, cũng không phân loại chất thải tại nguồn.
Quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa, đồng nghĩa hộ nào phát sinh nhiều chất thải, sử dụng nhiều bao bì sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Qua đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Việc thu phí này cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc thu phí với hình thức nêu trên đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện khá thành công. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), chúng tôi đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nhiệm của các quốc gia trên để làm căn cứ quy định tại Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề xuất này?
Giai đoạn đầu sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm. Do vậy, bên cạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và sự giám sát toàn xã hội.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đưa ra quy định đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định. Hành vi này của các hộ dân cũng sẽ được thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Tôi cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Về chế tài xử phạt, Bộ Tài nguyên Môi trường đang dự thảo nghị định, trong đó đối với các quy định mới sẽ có các chế tài xử phạt tương ứng để đảm bảo tính khả thi của quy định.
- Việc bán bao bì, thiết bị chứa chất thải dự kiến triển khai cụ thể như thế nào?
Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương để quy định cụ thể màu sắc, kích thước, hình dáng đối với bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải; lựa chọn hoặc ủy quyền cho một đơn vị sản xuất.
Như vậy, có thể hình dung đơn vị được UBND cấp tỉnh lựa chọn sẽ sản xuất và bán bao bì, thiết bị đựng chất thải. Giá bán bao gồm giá thành sản xuất, kinh doanh và giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về cơ bản, Chính phủ sẽ đưa ra khung giá và các địa phương quy định cụ thể dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Với những gia đình phát sinh số lượng rác đột xuất lớn, ví dụ bàn ghế cũ, sẽ xử lý ra sao?
Việc này áp dụng đúng nguyên tắc, hộ dân nào phát sinh số lượng rác thải nhiều thì phải sử dụng nhiều bao bì, thiết bị đựng và trả nhiều tiền hơn. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định giá bao bì, thiết bị chứa chất thải thực phẩm thấp hơn loại chứa chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Trường hợp hộ gia đình không phân loại thì phải sử dụng bao bì, thiết bị chứa chất thải đối với chất thải rắn, tương ứng với việc phải trả nhiều tiền nhất.
Đối với việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh, dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quy định để phù hợp với tình hình của các địa phương. Trên thực tế, hiện nay các địa phương cũng đã đưa ra các quy định riêng về việc này. Ví dụ người dân có thể tự vận chuyển đến các địa điểm nhất định vào thời gian theo quy định, hoặc có thể liên hệ với đơn vị thu gom, vận chuyển dịch vụ.
Do tình hình kinh tế - xã hội của các đô thị khác với nông thôn, nên nguyên tắc nêu trên sẽ được thực hiện tại các đô thị có điều kiện trước, nông thôn áp dụng sau.
Dự thảo Luật cũng quy định đối với khu vực nông thôn, chất thải thực phẩm được phân loại và có thể sử dụng làm phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi, biogas ...hoặc các mục đích khác phù hợp. Trường hợp không sử dụng được thì mới thực hiện theo quy định là chuyển giao cho đơn vị thu gom.
Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2015. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 5.
Gia Chính
Theo: Vnexpress