Chiều 6/01, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Đắk Lắk.
Trao đổi, bàn bạc tìm cách giải quyết tốt những bài toán đang đặt ra trên địa bàn tỉnh
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện chương trình phân công công việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đó là hướng về các địa phương vùng sâu, vùng xa… hôm nay, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về công tác quản lý nhà nước ngành trên địa bàn. Đây là dịp để lãnh đạo Bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị chuyên môn lắng nghe, thảo luận và cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của Đắk Lắk liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước mà ngành tài nguyên và môi trường quản lý.
“Với tinh thần làm việc ngắn gọn, đặt hiệu quả công việc lên cao nhất, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ngành, địa phương trên địa bàn Đắk Lắk nêu cụ thể, rõ ràng những vấn đề khó khăn, vướng mắc cả trước mắt và lâu dài để chúng ta cùng trao đổi, bàn bạc tìm cách giải quyết tốt những bài toán đang đặt ra trên địa bàn tỉnh, nhằm huy động hiệu quả nguồn lực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bày tỏ vui mừng khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi công tác ngay những ngày đầu tiên của năm 2020 tại tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cũng cho rằng đây là dịp để Đắk Lắk nêu trực tiếp những khó khăn vướng mắc trên địa bàn liên quan đến lĩnh vực mà Bộ quản lý, phụ trách.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các cơ quan chuyên môn của Bộ giải đáp, tháo gỡ giúp địa phương một số khó khăn như: trong công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn nhất là ở vùng sâu, vùng xa; trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhất là đất có nguồn gốc đất rừng, đất nông lâm trường; tranh chấp đất đai có nguồn gốc nông lâm trường; trong công tác bảo vệ môi trường nhất là công tác xử lý rác thải đô thị, nông thôn…
Tại Hội nghị, ông Y Giang Gry Nie Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trình bày báo cáo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường Đắk Lắk đã triển khai hệ thống pháp luật về tài nguyên môi trường, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cơ bản đáp ứng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
UBND tỉnh đã lập và trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 14/8/2018. UBND tỉnh đã Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 14/15 đơn vị hành chính cấp huyện (hiện còn huyện Ea Súp chưa được phê duyệt).
Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất được triển khai thực hiện kịp thời đảm bảo theo quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương. Đồng thời, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp và kiên quyết xử lý, thu hồi đất đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về đất đai. Kết quả năm 2018, 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi 5.921,27 ha đất của 13 tổ chức kinh tế.
Công tác cấp Giấy CNQSDĐ, tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 28/12/2016 quy định xin lỗi bằng văn bản khi giải quyết quá hạn thủ tục hành chính. Kết quả việc thực hiện đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước thời hạn tăng năm sau so với năm trước, tỷ lệ giải quyết trễ hạn ngày càng giảm (Tỷ lệ hồ sở giải quyết quá hạn năm 2018: 1,42%, năm 2019: 1.31%); lũy kế đến nay tỉnh đã cấp được 1.005.316ha/1.042.739ha, đạt tỷ lệ 96,41% diện tích đủ điều kiện cấp giấy.
Về công tác bảo vệ môi trường, năm 2019, Đắk Lắk đã ban hành 26 Quyết định phê duyệt ĐTM. Thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cho 54 đơn vị với tổng số tiền là 786.981.309 đồng; thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đến 370 cơ sở (có lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm, đối tượng do cấp huyện rà soát) đến nay đã có 28 đơn vị nộp phí, với số tiền là 42 triệu đồng. Tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới quan trắc tự động liên tục và tiếp nhận phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc tự động liên tục, đã triển khai đến 15/15 cơ sở thuộc đối tượng tổ chức lắp đặt, truyền dẫn số liệu quan trắc tự động và xác nhận dẫn truyền chính thức quan trắc nước thải tự động đối với 01/15 cơ sở; tiếp nhận thử nghiệm số liệu 3/15 cơ sở. Hiện đang tiếp tục rà soát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục.
Trong công tác quản lý khoáng sản, Đắk Lắk đã chấn chỉnh được hầu hết các vi phạm về hoạt động khoáng sản; tăng cường hoạt động kiểm tra; yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện lắp đặt trạm cân, camera khu vực khai thác khoáng sản; khoanh định, phê duyệt và công bố các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; phê duyệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2019...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn như: Đề nghị Bộ có ý kiến với Bộ Nội vụ xem xét tăng biên chế cho ngành tài nguyên và môi trường Đắk Lắk để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp, sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung để hướng dẫn triển khai thực hiện (nhất là quy định về nguồn thu, giá dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp); sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; ban hành Thông tư hướng dẫn lập Phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; Phương án Bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu...để đảm bảo tiến độ lập quy hoạch tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh xây dựng Phương án tổng thể về quản lý và sử dụng đối với diện tích đất có nguồn gốc lấn chiếm đất nông, lâm trường.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ cho triển khai điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ 1/50.000 và Điều tra cơ bản nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kho thuốc Bảo vệ thực vật phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Toàn cảnh buổi làm việc chiều 6/1/2020 tại Hội trường UBND tỉnh Đắk Lắk
Sau báo cáo của ông Y Giang Gry Niê Knowng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề về công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk...
Tiếp đó, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường …đã trao đổi, giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của địa phương về lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Đồng thời cũng hướng dẫn tỉnh xây dựng phương án tổng thể đối với 126.000 ha đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, ổn định dân di cư tự do; xem xét, hỗ trợ để địa phương đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 2 huyện biên giới Ea Súp, Buôn Đôn và đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường; hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột; đồng thời, cho triển khai điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh...
Quy hoạch Đắk Lắk trở thành trung tâm phát triển bền vững của Tây nguyên
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa, do vậy, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cần có quy hoạch dài hạn cho địa phương, từ đó tập trung phát triển Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng; cũng như xây dựng được một đề án toàn diện đưa Tây nguyên phát triển bền vững.
Song song với quy hoạch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng để tận dụng và phát triển được nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội, Đắk Lắk cần có những chính sách chuyển đổi quy mô lớn về kinh tế, tập trung phát triển vào những thế mạnh của vùng để vừa phát triển được kinh tế vừa thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay; đồng thời xây dựng một lộ trình phát triển toàn diện từ các ngành mũi nhọn như giao thông, du lịch, nông nghiệp, kinh tế bền vững.
Về những bất cập, chồng chéo từ các chính sách đầu tư, đấu thầu, đất đai, môi trường, Bô trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện và bổ sung trong việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới. “Những vấn đề bất cập trong Luật không chỉ gỡ rối cho Đắk Lắk mà cho các địa phương khác”. - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói..
Đối với những kiến nghị của Đắk Lắk, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cần có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.
Với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ từ công tác tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường; công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu…, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp rà soát và có các văn bản hướng dẫn tháo gỡ, ủng hộ các chính sách phát triển bền vững của Đắk Lắk.
Ngoài ra, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm tham mưu để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác Bộ TN&MT cùng Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường và Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk chụp ảnh lưu niệm
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đối với công tác quản lý tài nguyên và môi trường nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh Đắk Lắk; đồng thời cho biết Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk sẽ nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến của Bộ trưởng để phấn đấu trong thời gian tới đưa Đắk Lắk phát triển hơn nữa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở khu vực trung tâm của vùng vùng Tây Nguyên. Phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp với tỉnh Đắk Nông và Vương quốc Cămpuchia. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.307.009ha, trong đó: Nhóm đất nông nghiệp 1.155.440ha (chia ra: đất sản xuất nông nghiệp: 627.031ha, đất lâm nghiệp: 523.672ha; đất nuôi trồng thủy sản 4.468ha; đất nông nghiệp khác 269ha); Nhóm đất phi nông nghiệp 90.188ha (chia ra: đất ở 15.082ha; đất chuyên dùng 54.448ha; đất chuyên dùng khác 20.658ha); Nhóm đất chưa sử dụng: 61.381ha. Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm: 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện) và 184 đơn vị hành chính cấp xã); Dân số Đắk Lắk hiện nay trên 1,9 triệu người, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống. |
Khương Trung
Theo: Cổng TTĐT Bộ TNMT