Tin tức - Sự kiện

Lễ Kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

11:03, 15/12/2019

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm sáng ngày 14/12, thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao các kết quả, đóng góp to lớn, thầm lặng của cán bộ, công chức trong Ngành suốt chặng đường 60 năm qua (14/12/1959 - 14/12/2019): "Ở mọi vị trí công tác, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người làm công tác đo đạc và bản đồ thầm lặng có mặt khắp mọi miền đất nước; từ núi cao, rừng sâu, biên giới đến hải đảo xa xôi, kể cả nhiều nơi chưa từng có dấu chân người; miệt mài lao động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để đảm bảo cung cấp, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.”

 

1

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Đến dự Lễ kỷ niệm, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có nguyên Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa; các đồng chí nguyên Thứ trưởng qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; nguyên lãnh đạo Tổng Cục địa chính, nguyên lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam các thời kỳ.

Về phía các đại biểu, khách quý đến dự có ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Trần Thị Hà, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương; đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Ngoại giao, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu, Cục Bản đồ Quốc gia Lào, Cục Địa lý Campuchia; Đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT tỉnh, thành phố, Hội trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

2

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trình bày Diễn văn kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: 60 năm phát triển, lớn mạnh và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25/9/1945, Phòng Đồ bản thuộc Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan bản đồ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Sau ngày hòa bình lập lại, do vai trò quan trọng của Ngành đo đạc và bản đồ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, chính thức hình thành cơ quan Cục Đo đạc và Bản đồ của nhà nước cách mạng Việt Nam. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về Đo đạc và Bản đồ đầu tiên của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ và giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam luôn bám sát định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước; triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đo đạc và bản đồ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế và đồng thời xây dựng nếp sống văn hoá mới, con người mới.

3

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục nỗ lực phấn đấu và không ngừng phát triển lớn mạnh, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chúc mừng và biểu dương những thành tích đáng trân trọng và tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác trong Ngành đo đạc và Bản đồ trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển. Cùng với sự phát triển của đất nước, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã ngày càng phát triển, cả về tổ chức, lực lượng và tiềm lực khoa học - kỹ thuật với đội ngũ hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, lao động, hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp với thiết bị, công nghệ hiện đại.

“Ở mọi vị trí công tác, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người làm công tác đo đạc và bản đồ thầm lặng có mặt khắp mọi miền đất nước, từ núi cao, rừng sâu, biên giới đến hải đảo xa xôi, kể cả nhiều nơi chưa từng có dấu chân người; miệt mài lao động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để đảm bảo cung cấp, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ.

Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng cho rằng, việc Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 giúp Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam có cơ sở pháp lý cao để quản lý thống nhất công tác đo đạc và bản đồ trên cả nước, mở ra chương mới trong hoạt động đo đạc, bản đồ, thúc đẩy triển khai các ứng dụng trong kỷ nguyên của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, yêu cầu phát triển đất nước và xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, công nghệ đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cho hoạt động của Ngành trong những năm tới.

4

 Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì

Phát huy các kết quả đạt được, để hoàn thành trách nhiệm nặng nề của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, trên cơ sở Luật Đo đạc và bản đồ, trong thời gian sớm nhất cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đo đạc và bản đồ; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đảm bảo sự thống nhất, đầy đủ, phù hợp với pháp luật có liên quan. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm.

Thứ hai, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để sớm hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2020. Nội dung Chiến lược cần xác định các nội dung ưu tiên và lâu dài, phù hợp với Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, hiện đại hóa hạ tầng đo đạc, nâng cao chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ của các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt là trong việc xây dựng Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đảm bảo cung cấp dữ liệu không gian địa lý kịp thời, chính xác phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ.

Thứ tư, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt để định hướng, tổ chức, làm “tổng công trình sư” các nhiệm vụ lớn của Ngành, làm công tác biên giới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Thứ năm, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.

5

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa bày tỏ sự tin tưởng: “Với truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo và sự đoàn kết, nhất trí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong suốt 60 năm qua, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nói chung, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nói riêng sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của mình, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng đội ngũ những người làm công tác đo đạc và bản đồ không ngừng phát triển lớn mạnh, đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Nhân Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, các tập thể, cá nhân Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, ghi nhận các đóng góp và thành tích rất đáng tự hào mà Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã đạt được.

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam: 60 năm xây dựng và phát triển

Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1974 (thời kỳ trực thuộc Phủ Thủ tướng), Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ đo đạc thành lập mạng lưới thiên văn trắc địa hạng I, hạng II trên toàn miền Bắc và một số lưới tam giác hạng III, hạng IV tại một số khu vực trên lãnh thổ; xây dựng mạng lưới thủy chuẩn hạng I, hạng II Nhà nước. Biên vẽ và in bản đồ địa hình đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế, quốc phòng - an ninh; xuất bản một số loại bản đồ địa lý thông dụng phục vụ cho nghiên cứu và giáo dục; cung cấp tài liệu, cố vấn kỹ thuật cho công tác đo đạc và bản đồ của các ngành, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật về đo đạc và bản đồ; bước đầu áp dụng đo vẽ bản đồ địa hình bằng ảnh máy bay; hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thống nhất áp dụng Hệ tọa độ HN-72.

Giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1994 (thời kỳ trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng), Ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã từng bước xây dựng các mạng lưới tọa độ, độ cao, trọng lực quốc gia; hiện chỉnh và chuyển hệ thống bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000 do quân đội Hoa Kỳ thành lập sang hệ tọa độ HN-72 phủ trùm cả nước; đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và 1/10.000 phủ trùm một số khu vực kinh tế quan trọng; thành lập các loại bản đồ chuyên ngành phục vụ phát triển KT-XH và bảo vệ đất nước. Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong công tác bảo đảm tư liệu Đo đạc và Bản đồ phục vụ cho việc hoạch định biên giới và địa giới hành chính các cấp, hoàn thành bộ bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1991, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới công nghệ với định hướng xây dựng một Ngành tiên tiến, hiện đại. Các công nghệ định vị toàn cầu (GPS), bay chụp ảnh máy bay có định vị tâm ảnh bằng GPS; công nghệ đo vẽ ảnh số để thành lập bản đồ địa hình, bản đồ trực ảnh, hiện chỉnh bản đồ và thành lập các loại bản đồ chuyên đề bằng sử dụng ảnh vệ tinh; đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển bằng công nghệ số; công nghệ thông tin địa lý (GIS, LIS) đã tạo dựng diện mạo mới cho Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và mang lại hiệu quả cao; ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bản đồ địa hình và áp dụng thống nhất trong cả nước; triển khai nghiên cứu cơ bản về hoạt động của vỏ Trái đất ở Việt Nam; xây dựng lưới tọa độ hạng I, II cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2002 (thời kỳ trực thuộc Tổng cục Địa chính), Ngành đã xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm, định mức phục vụ quản lý nhà nước đối với công tác đo đạc và bản đồ địa chính. Xây dựng và trình Chính phủ đưa vào áp dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia VN-2000. Đây là một công trình lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của Ngành. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia; hoàn thành bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, phục vụ kịp thời việc ký kết Hiệp ước về biên giới giữa nước ta với Lào và Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên Ngành đã hoàn thành và xuất bản Atlát quốc gia; đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa công nghệ đo đạc và bản đồ; ứng dụng thành lập bản đồ địa hình bằng công nghệ số; thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển khu vực ven bờ và Vịnh Bắc Bộ phục vụ phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc; bay chụp ảnh hàng không và thu nhận ảnh vệ tinh phủ trùm lãnh thổ; hoàn thành giúp CHDCND Lào xuất bản tập Atlas hành chính, thành lập và hiệu chỉnh bản đồ 1/50.000 cho 4 tỉnh Nam Lào; xây dựng lưới độ cao nhà nước cho CHDCND Lào; tham gia chương trình lập bản đồ toàn cầu và chương trình xây dựng lưới toạ độ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nét nổi bật của thời kỳ này là việc chuyển đổi cơ chế quản lý của Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước từ quản lý theo cơ chế sự nghiệp sang cơ chế hạch toán kinh tế. Việc chuyển đổi cơ chế đã tạo ra sức bật mới cho các đơn vị sản xuất, sản phẩm làm ra ngày một nhiều, thu nhập của người lao động được cải thiện, lực lượng sản xuất được duy trì và phát triển, đáp ứng các yêu cầu to lớn, đa dạng của phát triển KT-XH đất nước.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tái thành lập từ năm 2002 trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

Từ năm 2002 đến nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tái thành lập, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thống nhất Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trên toàn quốc. Tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP, Cục Đo đạc và Bản đồ đổi tên thành Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam. Ngày 04/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Nghị định này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được đổi tên thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Từ năm 2002 đến năm 2009, Ngành đã xây dựng và ban hành 38 văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Nghị định số 12/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ. Hoàn thành và công bố mạng lưới địa chính cơ sở và hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 Hệ VN-2000 phủ trùm toàn quốc vào năm 2004. Tăng cường cơ sở hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu; triển khai ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Xây dựng và trình ban hành Chiến lược phát triển Ngành Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg.

Mười năm trở lại đây, từ năm 2009 đến năm 2019, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng CSDL hạ tầng thông tin địa lý quốc gia. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, nổi bật nhất là việc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: Chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định gồm Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ; Nghị định 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám và Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cục xây dựng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống văn bản quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; cơ bản hoàn thành việc công bố địa danh để phục vụ cho công tác xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình quốc gia.

Ngành đã tập trung triển khai và cơ bản hoàn thành các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển Ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, tiêu biểu là việc hoàn thành 02 dự án quan trọng liên quan đến thành lập CSDL nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và CSDL nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Sản phẩm của 02 dự án này đã chuyển giao cho các địa phương sử dụng phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển KT-XH trên địa bàn; đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn tất việc rà soát hệ thống địa danh, tên gọi các đảo, bãi cạn trên các vùng biển Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Cùng với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia phục vụ cho đo đạc trọng lực chi tiết, phục vụ công tác thăm dò, điều tra tìm kiếm khoáng sản. Chính xác hóa mô hình GEOID địa phương trên lãnh thổ Việt Nam góp phần thúc đẩy việc ứng dụng xác định độ cao bằng công nghệ định vị vệ tinh (GNSS). Cùng với Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tổ chức triển khai và cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực ven biển phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động đo đạc và bản đồ; xây dựng và đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET với số lượng 65 điểm trong giai đoạn đầu để làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ động quốc gia, cung cấp dịch vụ xác định tọa độ, độ cao phủ kín toàn quốc.

Về hợp tác quốc tế, đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc các tuyến biên giới trên đất liền với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hoàn thành việc xây dựng CSDL nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển KT-XH và giám sát tài nguyên môi trường CHDCND Lào (2013 - 2018); tăng cường năng lực cho Cục Bản đồ Quốc gia Lào; tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào.

 

CTTĐT Bộ TNMT