Tin tức - Sự kiện

Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

15:54, 11/12/2019

Chiều ngày 10/12, tại tỉnh Hưng Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và định hướng cho giai đoạn sau năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

 

1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (giữa), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam (phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử (trái) đồng chủ trì Hội nghị

Hơn 5.800 xã đạt tiêu chí môi trường

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường 9 năm, từ khi Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thành những mục tiêu, nội dung cụ thể và phân công trách nhiệm để triển khai thực hiện.

Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức thành công vào ngày 19/10/2019 tại tỉnh Nam Định đã khẳng định một dấu mốc lịch sử, một tiếng vang không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra các nước trong khu vực, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là thành công “To lớn, Toàn diện và Lịch sử”, trong đó, có thành công của lĩnh vực môi trường. 

2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, nếu giai đoạn 2010 – 2015 có những bước khởi đầu hết sức khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện Chương trình; công tác bảo vệ môi trường còn chưa thực sự được quan tâm, đầu tư nguồn lực và chỉ đạo thực hiện - tiêu chí số 17 về môi trường đạt tỷ lệ thấp và kém bền vững nhất thì đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đó là sự nỗ lực vượt bậc từ Trung ương đến địa phương, với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp.

Với vai trò cơ quan đầu mối của Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân bày tỏ sự trân trọng đối với các Bộ, ngành, các địa phương vì những nỗ lực hết sức đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường, từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đến phân bổ nguồn lực, quan tâm đầu tư và trực tiếp đi sâu, đi sát với thực tế, giải quyết những vấn đề bức xúc của môi trường nông thôn.

Tính đến hết tháng 7/2019, cả nước đã có 4.475 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 50,26%), thì đến hết tháng 11/2019 con số này đã lên đến 54% (4.806 xã). Tại thời điểm hết tháng 7/2019, cả nước có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường (đạt 61,1%), thì đến hết tháng 11/2019, con số này đã lên đến 5.835 xã (đạt tỷ lệ 65,5%).

 

3

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, các xã đã cải tiến công tác môi trường, đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư, tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, triển khai các biện pháp cụ thể xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường cho chất thải rắn khu vực nông thôn và hoạt động chăn nuôi tập trung...

Trong công tác chỉ đạo điều hành, 100% các địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường cấp xã, huyện; 51/63 địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao; 23/63 địa phương đã ban hành quy định, hướng dẫn về xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều địa phương đã có 100% số xã đạt tiêu chí môi trường như: Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Đáng ghi nhận, các địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thị trấn đã chuyển trọng tâm sang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, Hà Tĩnh và Quảng Ninh cũng là hai tỉnh tiên phong của cả nước trong xây dựng vườn mẫu, đến nay, Hà Tĩnh đã có 3.382 vườn mẫu, Quảng Ninh có 1.526 vườn mẫu...

4

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị

Một số kết quả nổi bật thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 94,84%; hệ thống thoát nước đã được quan tâm, đầu tư, được cống hóa, bê tông hóa, đã có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn); nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước kết hợp cải tạo cảnh quan;...

Về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy định; 100% xã đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ; 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh...

Về xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 42 tỉnh, thành phố đã 57.910 có bể thu gom; 33 tỉnh, thành phố đã thu gom được gần 339.000 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật, xử lý gần 60.000 kg theo phương pháp đốt theo quy định, gần 190.000 kg tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương.

Công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt: 88% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều địa phương đạt 100%; 109 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 15,8% (trước đây chỉ đạt 6-7%).

Công tác bảo vệ môi trường làng nghề có những bước đột phá. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề; một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường. Trong 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã có 08 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; 18/39 làng nghề còn lại đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng lên, đạt 74% (tăng lên 18% so với năm 2010). Bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi được tăng cường, đến nay có khoảng 55% số cơ sở chăn nuôi có biện pháp thu hồi chất thải chăn nuôi làm phân bón. Cả nước có 61,1% số xã có quy hoạch và  quy chế quản lý và thực hiện quản lý nghĩa trang. Nhiều địa phương đã quy hoạch và thực hiện xây dựng nghĩa trang quy mô liên xã hoặc cấp huyện...

Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như trồng hoa, cây xanh; mô hình con đường bích họa, làng bích họa; dòng sông không rác”, Mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa”; mô hình “Tuyến đường xanh- sạch- đẹp”; mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững”…đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.

 

5

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử phát biểu tại Hội nghị

Hiến kế xây dựng bộ tiêu chí môi trường trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn sau năm 2020, mục tiêu về môi trường đặt ra là đưa số xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường từ 65,5% hiện nay lên 85% vào giai đoạn 2021 – 2025, số huyện đạt tiêu chí về môi trường đạt khoảng 40%. Đây là một trong những thách thức mà các ngành, các cấp đặt ra đối với ngành tài nguyên và môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần nghiên cứu, xác định được các mục tiêu cụ thể của giai đoạn sau năm 2020 để đồng thuận trình lên Thủ tướng Chính phủ như một lời cam kết của ý chí, sự quyết tâm, sự đồng lòng, vì một mục tiêu chung để xây dựng nông thôn bền vững.

“Đặc biệt là cùng nhau xem xét để đề xuất bộ tiêu chí đánh giá phù hợp, tiệm cận với nông thôn hiện đại, văn minh, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; kế thừa và phát huy thành quả của giai đoạn vừa qua và đặc biệt là phù hợp với trình độ văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của từng vùng, miền, địa phương trên toàn quốc.” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

6

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường sự quan tâm, trách nhiệm chỉ đạo của các cấp chính quyền thực hiện bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tăng cường đội ngũ cán bộ môi trường cấp xã, huyện.

Theo Thứ trưởng Trần Thành Nam, “Bộ Tài nguyên và Môi trường nên rà soát, nâng cao bộ tiêu chí môi trường từ tiêu chí chuẩn đến tiêu chí nâng cao và tiêu chí kiểu mẫu. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về các vùng sâu, vùng xa để đảm bảo vấn đề xử lý chất thải tại các vùng nông thôn.”

6

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đề nghị Bộ cần làm rõ nội hàm một số tiêu chí môi trường, cụ thể hóa các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường như thu gom chất thải rắn, tiêu chuẩn nước sạch; yêu cầu bắt buộc phân loại chất thải rắn tại nguồn; vấn đề cảnh quan môi trường, trồng cây xanh... “Việc yêu cầu bắt buộc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ giúp đảm bảo 3/4 lượng rác thải sinh hoạt nông thôn quay trở lại thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.” – Ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Đại diện địa phương, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, đối với tỉnh Hưng Yên, vấn đề khó nhất là xử lý ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Để thực hiện được cần nguồn kinh phí lớn, phải thay đổi nhận thức, ý thức của từng người dân nông thôn. “Do vậy, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay thực hiện các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái của cơ quan, đoàn thể các cấp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.” - Ông Bùi Thế Cử đề nghị.

Góp ý về góc độ khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đề xuất xây dựng bộ tiêu chí phân theo vùng để đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, cũng cần quy định rõ tỷ lệ hộ gia đình phải thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt; tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; tỷ lệ các tuyến đường trồng cây, trồng hoa; cần lượng hóa trong bảo vệ rừng, nguồn nước, đất đai và các nguồn tài nguyên khác...

7

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Xây dựng tiêu chí môi trường phải thực chất, nâng cao chất lượng cuộc sông của người dân

Đánh giá cao các ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc “nâng chất” các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là cần thiết, vừa bảo đảm tính kế thừa, tính mới, tính đột phá và tính toàn diện; vừa bảo đảm tính khả thi và phù hợp với từng vùng, miền, địa phương cụ thể.

Thứ trưởng cũng cho rằng, các địa phương cũng cần hướng đến kinh tế tuần hoàn. “Vấn đề kinh tế tuần hoàn không hề xa vời mà rất gần gũi với nông thôn. Từ truyền thống, mô hình vườn – ao – chuồng chính là kinh tế tuần hoàn; cho đến hiện đại là chất thải của hoạt động sản xuất này là đầu vào của hoạt động sản xuất kia.” – Thứ trưởng diễn giải. 

Cùng với đó, trong điều kiện nền kinh tế phát triển thì càng cần phải rà soát, nâng cao các tiêu chí môi trường này. “Nếu như trong giai đoạn 2010 – 2015, người dân mới chỉ quan tâm đến phát triển sản xuất với chỉ một số ít tiêu chí về môi trường như nhà vệ sinh, nước sạch được đảm bảo; thì đến giai đoan 2016 – 2020 đã có đột phá lớn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy, đến giai đoạn 2021 – 2025 sắp tới, cần có tính mới, tính đột phá trong bảo vệ môi trường; ví dụ như nhà vệ sinh phải sạch sẽ, nước sạch phải đáp ứng tiêu chuẩn, nghĩa trang phải khang trang...” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

8

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý phải giải quyết bức xúc môi trường của khu vực nông thôn, đó là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt. “Các địa phương cần có tư duy mới trong xử lý rác thải. Tỉnh, thành phố phải lo việc xử lý rác thải còn các huyện, xã chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, không để tình trạng dàn trải mỗi huyện, xã có lò đốt rác công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề này cấp tỉnh phải có quy hoạch và thực hiện đồng bộ 3 giải pháp từ cơ chế, chính sách, mô hình công nghệ đến tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đồng thời, vấn đề thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề cũng cần đưa vào các tiêu chí. Các địa phương nếu không xử lý được rác thải, nước thải thì không thể đạt chuẩn nông thôn mới.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. “Xây dựng các tiêu chí về môi trường phải đi vào thực chất, không chạy theo thành tích, phải nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, từ môi trường, cảnh quan đến sức khỏe; chính là góp phần phát triển bền vững đất nước.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Nhân dịp Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

9
10

Bộ Tài nguyên và Môi trường khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Theo: Cổng TTĐT Bộ TNMT