Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong thời gian tới sẽ “Lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí để cảnh báo kịp thời cho người dân”.
Trước đó, sáng 2/10, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Hà Nội, TP.HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí...
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/10
Về dài hạn, kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện chất lượng không khí đang được triển khai một cách toàn diện, từ hoàn thiện thể chế cho tới các biện pháp cụ thể giảm nguồn phát thải bụi mịn vào không khí. "Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này, để dần từng bước cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, TP. HCM", Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Nhận định sơ bộ nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí. Ngoài ra, qua theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 2/10
Đề cập tới các ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, một số trang mạng nước ngoài, ví dụ ứng dụng Airvisual, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc khác nhau. Trước đây đo nồng độ bụi mịn PM2.5 là việc khó khăn, nhưng hiện đã có nhiều công nghệ để quan trắc. Tuy nhiên, về độ chính xác thì các thiết bị đã được chuẩn hóa đáng tin cậy hơn.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, chỉ số trên các trang mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính chất tham khảo, người dân nên tìm thông tin chính thức trên website của thành phố Hà Nội (moitruongthudo.vn) hoặc của Tổng cục Môi trường (enviinfo.cem.gov.vn).
Để xử lý vấn đề này, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trước hết các Bộ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, giải quyết giảm thiểu nguồn phát thải khí ô nhiễm vào môi trường. UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong phạm vi có nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí phải tổ chức đánh giá và kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí vào môi trường; có giải pháp và xử lý kịp thời, bảo đảm sức khoẻ cho người dân.
Về dài hạn, Chính phủ đã có Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong Quyết định này đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí cho đến những phương pháp để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, tình trạng bụi mịn trong không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này.
Trả lời câu hỏi về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói: Có thể thấy đây là thời điểm đang có biến đổi khí hậu, nhiều năm nay vào thời điểm giao mùa đều có những hiện tượng này. Mấy ngày vừa qua thời tiết không gió, không mưa, tạo lớp sương mù nên việc khuếch tán bụi mịn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng không khí.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại buổi họp báo
Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: Hiện nay, TP. Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí. Các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng. TP. Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên, hằng ngày, cứ 5 phút/lần các trạm đo sẽ chuyển thông số về để tổng hợp. Thông tin được đăng tải hằng ngày trên các báo như Hà Nội mới, An ninh thủ đô, Công an nhân dân… đều cập nhật chất lượng không khí của Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đo chất lượng không khí thì còn cần phải xác định nguồn rác thải làm ô nhiễm. Các nguyên nhân đã được TP. Hà Nội xác định gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Các nguyên nhân khác là: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Hiện nay, TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như: Lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí, phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp xong 25 trạm; tập trung xử lý các nguồn xả thải, xử lý nước thải, các nhà máy đốt rác, kiểm soát các phương tiện đang xả thải ra môi trường… giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ phát động chương trình Cánh đồng không đốt rơm rạ để giảm việc đốt rơm rạ của các địa bàn lân cận làm ô nhiễm không khí.
TP. Hà Nội cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các phương pháp phòng tránh, bảo vệ sức khoẻ khi không khí bị ô nhiễm, đặc biệt với người già và trẻ em.
Khương Trung
Nguồn: monre.gov.vn