Chiều 14/10, trong khuôn khổ “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đang diễn ra tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu”.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì điều hành Phiên thảo luận “Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu”
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), việc phối hợp, phát huy vai trò của các tôn giáo thực hiện ứng phó với BĐKH là một chính sách lớn của Việt Nam. Công tác ứng phó với BĐKH không chỉ của nhà nước mà còn là của mọi tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội. Các tổ chức tôn giáo có sứ mệnh quan trọng là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên nên rất gần gũi với nhân dân. Vì vậy các hoạt động tôn giáo rất thuận lợi để tuyên truyền, huy động sự tham gia của người dân trong công tác ứng phó với BĐKH.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu
“Đây là dịp hết sức đặc biệt và có lẽ chỉ có ở Việt Nam, các tôn giáo cùng với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền tổ chức trao đổi một cách chuyên sâu về BVMT và BĐKH. Phiên thảo luận này là dịp để chúng ta chia sẻ, thảo luận và làm sâu sắc hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, các kết quả, bài học kinh nghiệm trong việc huy động cộng đồng dân cư và các tôn giáo khác nhau tại Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa trong ứng phó với BĐKH...” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Phiên thảo luận, các tổ chức tôn giáo, các địa phương trên toàn quốc đã trình bày nhiều bài tham luận cụ thể và ý nghĩa, hướng đến công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.
500.000 tín đồ đã tích cực tham gia vào công tác BVMT, ứng phó với BĐKH
Ông Đinh Trung Trực, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ
Ông Đinh Trung Trực, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ cho hay, MTTQ và các cấp, các ngành đã tích cực tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Trên cơ sở giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo, với truyền thống sống “tốt đời đẹp đạo”, trong 4 năm qua, 12 tôn giáo trên địa bàn thành phố với 380 cơ sở thờ tự, 78 cơ sở tín ngưỡng và gần 500.000 tín đồ đã tích cực tham gia vào công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, đóng góp thiết thực vào các phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội ở địa phương.
“Qua gần 4 năm, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 27 cuộc tập huấn nâng cao kiến thức về BVMT, ứng phó với BĐKH và kỹ năng tuyên truyền cho 3.319 lượt cán bộ mặt trận, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo; có 199 cơ sở thờ tự của các tôn giáo đăng ký thực hiện xây dựng cơ sở thờ tự “Văn hóa - Văn minh”.
Có 12 tổ chức tôn giáo đăng ký thực hiện 31 mô hình, trong đó có nhiều mô hình điểm bước đầu đã phát huy hiệu quả, vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó BĐKH, điển hình như mô hình điểm “Thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khói nhang khi phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, nhà ở để tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và gia đình phật tử huyện Phong Điền của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ. Mô hình điểm Giáo xứ An Sơn của Giáo hạt Vĩnh An đăng ký, triển khai vận động tín đồ thực hiện “Chung tay xây dựng thành phố Cần Thơ Sáng – Xanh - Sạch - Đẹp -Văn minh - Hiện đại và An toàn” gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia BVMT và đảm bảo an toàn giao thông”. Mô hình điểm “Trồng cây thuốc, phơi và chế biến thuốc Nam sạch” tại Hội Quán Hưng Định tự. Mô hình điểm “Xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” thực hiện tại Hảo Hòa Tự (quận Thốt Nốt) của Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo thành phố...” - Ông Đinh Trung Trực thông tin.
Hơn 350.000 lượt người tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”
Sáng kiến phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường đang lan tỏa mạnh mẽ tại Thừa Thiên Huế, từng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường biểu dương khen ngợi... cũng được Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế giới thiệu tại buổi tham luận.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng Ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế nêu sáng kiến về phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, qua 9 tháng triển khai thực hiện, phong trào ”Ngày Chủ nhật xanh” đã gặt hái những kết quả đáng kích lệ, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường, bước đầu làm thay đổi cảnh quan môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Trải qua 36 tuần với hơn 5.800 đợt đồng loạt ra quân, cùng với sự tham gia của hơn 350.000 lượt người, phong trào đã thu gom và xử lý hàng trăm nghìn tấn rác thải các loại, xóa các điểm đen về ô nhiễm môi trường; bóc tách hàng nghìn điểm quảng cáo, rao vặt không đúng quy định; tổ chức trồng và chăm sóc hàng trăm nghìn cây xanh tại các điểm công cộng,...
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường khen ngợi, đánh giá cao đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ tại Thừa Thiên Huế
Mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa” được triển khai một cách sáng tạo, thiết thực với các chất liệu và các loại hoa phù hợp với thời tiết tự nhiên tại Huế như: Mô hình trồng hoa bằng lốp xe ô tô, mô hình trồng hoa tuyến đường kiểu mẫu, đường hoa, bồn hoa tại các cơ quan, trường học, xây dựng các mô hình tuyến đường hoa đẹp, bồn hoa đẹp, vườn hoa của em.... Các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện với các mô hình bệnh viện xanh, cơ quan, công viên xanh, sạch, đẹp. Mô hình “Dòng hương trong xanh” do đội thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn đảm nhận duy trì hàng tuần việc ra quân làm vệ sinh môi trường ở sông Hương; đồng thời, tuyên truyền vận động, nhắc nhở người dân không gây ô nhiễm môi trường trên sông, không xả rác xuống sông Hương. Mô hình tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an” được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại các tuyến đường liên thôn, liên xóm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần” đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện, trong đó có nhiều cơ quan đơn vị tổ chức ký cam kết thực hiện trong các hoạt động thường xuyên, có sự chuyển biến tích cực...
“Chùa Pháp Vân với sứ mệnh bảo vệ môi trường”
Hòa thượng Thích Thanh Huân - Ủy viên thư ký Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Văn phòng I Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trong tham luận “Chùa Pháp Vân với sứ mệnh bảo vệ môi trường”, Hòa thượng Thích Thanh Huân - Ủy viên thư ký Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Văn phòng I Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Chùa Pháp Vân là một trong 3 mô hình điểm cấp quốc gia đại diện cho Giáo hội tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia BVMT và ứng phó BĐKH cùng lãnh đạo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo. Sau 4 năm thực hiện đã tổ chức triển khai được nhiều hoạt động với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng và có ý nghĩa đối với việc BVMT và ứng phó BĐKH.
“Chùa Pháp Vân đã thành lập ban điều hành Pháp Vân Xanh hoạt động BVMT và cộng đồng; cùng chính quyền địa phương trên địa bàn củng cố, xây dựng và phát triển các mô hình điểm về BVMT và ứng phó BĐKH, tổ chức các cuộc ra quân BVMT tại khu dân cư với tiêu chí xanh - sạch - đẹp từ nhà ra phố. Thành lập câu lạc bộ môi trường xanh cho các đoàn viên thanh niên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội. Tổ chức các khóa tu, mỗi khóa tu có từ 300 tới hàng nghìn phật tử và sinh viên các trường đại học tham gia, kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tham gia các hoạt động BVMT giữ gìn cân bằng môi trường sinh thái. Thời gian tới, Chùa Pháp Vân sẽ tiếp tục phát huy các hoạt động đã và đang có kết quả tốt đẹp tới cộng đồng...”, Hòa thượng Thích Thanh Huân thông tin.
Phật giáo Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Hoà thượng Thích Hải Ấn – Uỷ viên thường trực HĐTS.GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Hoà thượng Thích Hải Ấn – Ủy viên thường trực HĐTS.GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế nhấn mạnh rằng, “Tinh thần sẵn sàng tiếp nhận và chia sẻ của Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đối với các vấn đề xã hội, do Phật giáo đã luôn tự xác lập như một phần tử bất khả phân của thế giới và nhân loại”. Tinh thần này xuất phát từ nguyên lý Duyên sinh và tính Từ bi mà từ đó, xác lập nên mục đích của Phật giáo: “lòng thương tưởng đối với chúng sanh, vì hạnh phúc, lợi ích và an lạc cho số đông, chư thiên và loài người.”
Đối với công tác BVMT và ứng phó với BĐKH, Phật giáo Việt Nam luôn đề cao và đây đã trở thành một nội dung trọng tâm trong giáo dục các cấp, trong hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, như: truyền bá câu chuyện Đức Phật sống hài hoà với thiên nhiên như nhu cầu thiết yếu và từ đó, đề cao việc bảo vệ thiên nhiên và hạn chế việc khai thác một cách vô ý các nguồn tài nguyên; nhấn mạnh đạo lý duyên khởi, mọi vật nương tựa lẫn nhau sinh tồn để đảm bảo cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và sự hoà hợp giữa con người với thế giới tự nhiên; khuyến khích việc chuyển đổi năng lượng, thay thế những năng lượng phát thải lớn gây ô nhiễm hoặc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bằng những năng lượng sạch và an toàn; phối hợp với các đơn vị để phát triển các nguồn thực phẩm thay thế an toàn không lệ thuộc vào chất đạm động vật.
Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong BVMT và ứng phó với BĐKH
Bà Margrethe Volden - Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông
Theo bà Margrethe Volden - Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông, BĐKH là một thách thức về mặt chính trị đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay, chính vì vậy, để giải quyết được những điều này cần sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các tổ chức tôn giáo để tạo sự chuyển biến và sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân.
Bà Margrethe Volden cũng khẳng định sự chung tay của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng và hoàn toàn có thể đóng góp sức mình vào việc giải quyết những vấn đề trong BVMT và ứng phó với BĐKH trên thế giới. Bà mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trong việc vận động thêm nhiều người dân, nhiều nhóm thiện nguyện tham gia tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật của Việt Nam về BVMT và ứng phó với BĐKH. Cùng với đó chính quyền các cấp cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo, các chương trình phối hợp và huy động thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ người dân phòng chống thiên tai, khắc phục những hậu quả khôn lường do thiên tai gây ra.
Cũng tại buổi tham luận, các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận, đặt nhiều câu hỏi để tìm ra những mô hình, sáng kiến BVMT và ứng phó với BĐKH trong thời gian tới...
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Được biết, trong chiều cùng ngày cũng đã diễn ra 2 Phiên thảo luận khác gồm “BVMT, ứng phó với BĐKH và hành động của chúng ta” do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chủ trì, cùng phiên thảo luận “Đáp ứng bền vững và hiệu quả các tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và BVMT” do Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam phụ trách.
“Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” diễn ra trong 2 ngày 14-15/10/2019, do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam) tổ chức.
Hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo và các mô hình trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thống nhất cam kết tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về thúc đẩy việc thực hiện Chương trình phối hợp; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chương trình phối hợp. Ngoài các phiên toàn thể và phiên chuyên đề, hội nghị còn có hoạt động Hội trại với các gian trưng bày kết quả thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo, hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bên ngoài hội trường.
Khương Trung - Văn Dinh
Theo monre.gov.vn