Tin tức - Sự kiện

Kinh tế xanh và nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam (Phần 1)

14:12, 26/09/2019
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) thì nội hàm của nền kinh tế xanh (KTX) dựa trên 6 lĩnh vực. Trong đó nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, khí sinh học...); Thiết kế và xây dựng nhà xanh với việc sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nước hiệu quả, tiêu dùng các sản phẩm xanh, các vật liệu thân thiện với môi trường; Giao thông thân thiện với môi trường với việc sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu sinh học, đi xe đạp trên đường phố và vận chuyển công cộng bằng các phương tiện chạy bằng hơi nước và điện…
Năng lượng tái tạo là khái niệm để chỉ những nguồn năng lượng có trữ lượng gần như vô tận, có tiềm năng lâu dài và thân thiện với môi trường như: gió, bức xạ mặt trời, thủy triều, khí sinh học (biogas), gỗ, sinh khối (rơm, trấu, lá cây)... Việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng chính là một trong các động lực mới của nền Kinh tế xanh đó là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch.
2
Mô hình KTX ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Do đó, thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền KTX sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ cacbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn. Nước ta bắt đầu xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh những thách thức về năng lượng, môi trường và rừng đều đã thấp hơn nhiều ngưỡng an toàn sinh thái. Do đó, ngành năng lượng cần phải tìm kiếm nguồn nhiên liệu mới thay thế nhiên liệu hóa thạch, hoặc chuyển đổi nó sang các dạng nhiên liệu khác “sạch hơn” , hình thành nên khái niệm năng lượng xanh(sạch) đã không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Năng lượng xanh là những loại năng lượng thu được từ thiên nhiên không gây ô nhiễm môi trường, có giá trị bền vững và có thể tái tạo.
3
Vì vậy, việc khai thác sử dụng các loại năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vừa là một yêu cầu khách quan (do cạn kiệt) nhưng vừa là một yêu cầu cấp thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Những nguồn năng lượng sạch, tái tạo triển vọng nhất đã và đang thương mại hóa có chỉ tiêu môi trường tốt hơn và giá thành không cao hơn so với công nghệ cũ. Một số nguồn năng lượng có ý nghĩa công nghiệp được sản xuất bằng các công nghệ đã và đang thương mại hóa thay thế cho các công nghệ truyền thống của thế kỷ 20, thường được gọi chung là “công nghệ thay thế của thế kỷ 21”.
Ở Việt Nam, từ sau năm 2012 thiếu hụt năng lượng và phải nhập khẩu. Lượng nhập khẩu năm 2015 khoảng 6,27 triệu TOE (năng lượng quy đổi tương đương với 01 tấn dầu), năm 2020 khoảng 24,9 triệu TOE, năm 2030 tăng lên khoảng 62,8 triệu TOE. Nếu không phát hiện và sử dụng các nguồn năng lượng mới để cân đối cung cầu thì tỷ lệ phụ thuộc vào nước ngoài ở thời điểm 2020 và 2030 sẽ là 28,2% và 32,3%. Nhằm xử lý khó khăn này, Việt Nam cần khai thác các tiềm năng hiện có về năng lượng tái tạo và đẩy mạnh nghiên cứu triển khai để phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong tương lai, đạt tỷ lệ khoảng 9 - 10% tổng nhu cầu, đồng thời có biện pháp khoa học-công nghệ để tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
5
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) của nước ta được đánh giá là chậm so với sự phát triển của khu vực và trên thế giới mặc dù có nhiều tiềm năng. Năm 1995 thế giới bắt đầu “thu hoạch” các dạng NLTT thì ở nước ta mới manh nha việc phát triển NLTT nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2000, thế giới có bước nhảy vọt về NLTT như ở Đức với 6.500MW từ gió, thì ở nước ta NLTT dường như không có, mới nhắm chủ lực vào thủy điện nhỏ và cực nhỏ.
4
Với vị trí địa lý, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá Việt Nam có nguồn tài nguyên NLTT dồi dào và đa dạng gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió; năng lượng Mặt trời; sinh khối, địa nhiệt. Theo ước tính, Việt Nam có thể phát triển điện gió ở mức độ tốt trên diện tích chiếm khoảng 8% tổng diện tích, tương ứng với 102.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời của Việt Nam cũng được đánh giá tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á với khoảng 2.000 - 2.500 giờ nắng và cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,5kWh/m2/ngày, tương đương với tiềm năng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường