Tin tức - Sự kiện

NHỰA - Sứ mệnh và Số phận (phần 3)

14:18, 14/08/2019
Nhựa - Sứ mệnh và Số phận (phần 1)
Nhựa - Sứ mệnh và Số phận (phần 2)

Dòng chảy của nhựa
Sau khủng hoảng kinh tế thế giới: 2008- 2009, Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 về sản xuất nguyên liệu nhựa toàn cầu. Đồng thời Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu nhựa lớn nhất, chiếm 20% nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu. 
Khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản chỉ số tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người cao nhất thế giới, nhưng tốc độ gia tăng thấp do nhu cầu đã bão hòa. Đối với các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á, châu Phi hay Trung Âu thì có mức gia tăng ngày càng lớn, từ 5-7%/ năm. 
Châu Á với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ là động lực chính cho tăng trưởng ngành nhựa toàn cầu trong tương lai, đồng thời cũng là tâm điểm đầu tư của những tập đoàn trong lĩnh vực hóa nhựa trên thế giới.
Đầu ra chính của ngành nhựa là ngành bao bì đóng gói, vật liệu xây dựng và công nghiệp chế tạo. Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ dân cư tầng trung lưu cũng như tỷ lệ đô thị hóa tăng dần thúc đấy nhu cầu xây dựng, nhà ở, tiêu dùng tăng cao. Với các đặc điểm trên kết hợp với quy mô dân số lớn tại các nền kinh tế đang phát triển, châu Á sẽ là động lực chính cho đầu ra ngành nhựa thế giới trong tương lai. Nếu như năm 2010, lượng bao bì nhựa tiêu thụ tại Mỹ đứng đầu thế giới, cao hơn 70% so với nước đứng thứ 2 là Trung Quốc, nhưng năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ về sản lượng tiêu thụ nhựa bao bì.
Tuy nhiên, nhựa sinh học sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai, thay thế cho các sản phẩm nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, nhựa sinh học mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng nhựa toàn cầu, tuy nhiên được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15-35%/ năm trong giai đoạn 2015-2020. Chính phủ tại các nước tiên tiến hiện khuyến khích phát triển công nghệ sinh học để ứng dụng nhiều hơn trong thực tế. Những công nghệ này được dự báo sẽ thay đổi bức tranh ngành công nghiệp nhựa trong tương lai. Nam Mỹ hiện đang là khu vực sản xuất nhiên liệu sinh học và nhựa sinh học lớn nhất thế giới.
Nhựa dùng một lần đang phủ trắng số phận trái đất
Theo thống kê của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), mỗi năm có hơn 6,4 triệu tấn rác thải bị tống xuống biển, trong đó từ 60% đến 80% là chất dẻo, và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển. 
Một nghiên cứu khác cho thấy, kể từ những năm 1950 cho tới nay, con người đã thải ra đại dương khoảng 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa. Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. 
Qua khảo sát tại vùng biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha, người ta nhận thấy 75% số cá thể rùa biển nuốt phải rác nhựa, có thể làm tắc đường tiêu hóa của chúng và làm chúng chết. Những đồ phế thải này cũng là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn một triệu con chim biển trong một năm và hơn 100.000 cá thể động vật có vú ở biển. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chỉ trong khoảng 1 thập niên nữa, nhiều sinh vật của đại dương sẽ "mất tích". 
Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng, việc sinh vật biển khi "tiêu thụ" các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. Các mảnh vỡ này theo các dòng hải lưu có thể di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật phù du. Khi những hạt nhựa này xâm nhập vào sinh-động vật biển và tồn dư trong cơ thể chúng, con người tiêu thụ hải sản, những hạt nhựa này sẽ đi vào cơ thể, gây bệnh cho con người. Một chuyên gia đưa ra ví dụ: nếu ăn 0,5kg hàu được đánh bắt từ vùng biển đang ô nhiễm vì rác thải nhựa, bạn sẽ nạp vào người 50 hạt nhựa nhỏ li ti.
 
Đứng trước những hiểm họa đang xâm hại nghiêm trọng tới đời sống sinh vật biển và sẽ đe dọa tới cuộc sống của con người, LHQ đã nỗ lực kêu gọi cộng đồng các nước nâng cao nhận thức của xã hội về những nguy hại của việc thải rác ra biển, đồng thời yêu cầu các nước tích cực thu gom rác nhựa thông qua hệ thống tín dụng bắt buộc; theo đó, người xả thải các phế phẩm từ nhựa phải trả phí cao. Điển hình là các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Na Uy đã áp dụng thành công hệ thống này và kết quả có tới 95% rác thải nhựa đã được thu gom và tái chế.
Còn theo người đứng đầu Tổ chức AMRF (một tổ chức tập hợp các nhà sinh thái học trên thế giới), trước hết loài người cần phải từ bỏ việc sản xuất các sản phẩm có hại như vậy. Một số nước như Australia, Bangladesh, Iceland, Italy và Đài Loan đã cấm sử dụng các túi polyetilen hoặc áp dụng những biện pháp nhằm phát triển các công nghệ mới trong việc sản xuất những chất dẻo sạch về mặt sinh thái và được phân hủy về mặt sinh học. Thay thế hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần như hiện nay, vì nhựa dùng một lần hiện nay phải mất từ 500 năm đến cả nghìn để phân hủy.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường