Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng ông An Pich Hatda giữ chức Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và mong ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ủy hội giao phó.
Với tư cách là Giám đốc điều hành Ban Thư ký, Bộ trưởng đề nghị ông An Pich Hatda cần thúc đẩy triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên trong Tuyên bố Siêm Riệp tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 tổ chức tháng 4 năm 2018. Tích cực hỗ trợ các hoạt động tham vấn, giám sát và đánh giá các dự án phát triển thuỷ điện trên lưu vực nói chung.
Bộ trưởng mong muốn vai trò Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế cần thể hiện được vai trò của cơ quan điều phối, phối hợp trong việc phát triển các tiềm năng về lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông đồng thời huy động được sự tham gia của các nhà tham vấn kỹ thuật, các ý kiến của cộng đồng người dân quanh khu vực sông để ghi nhận những ý kiến đóng góp và đẩy mạnh được công tác truyền thông tới cộng đồng.
Bộ trưởng cũng đề nghị ông An Pich Hatda tiếp tục tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc hiện nay, đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường về tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công và thúc đẩy các hoạt động chia sẻ thông tin số liệu cho các quốc gia thành viên.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông An Pich Hatda cho biết ông đã gặp hai Bộ trưởng Lào và Campuchia, và các Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công hai quốc gia này cũng đồng ý có những nỗ lực, cơ chế chung và xây dựng những trung tâm dữ liệu để chia sẻ thông tin về tài nguyên nguyên nước, khí tượng thuỷ văn giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ông An Pich Hatda cũng chia sẻ thêm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay Campuchia đang có trung tâm nghiên cứu lũ lụt của Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để phát triển trung tâm này đáp ứng được nhu cầu và mục đích chung.
Đồng thời, ông An Pich Hatda cũng báo cáo Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết quả đề tài nghiên cứu của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế về sự phát triển thuỷ điện tại các dòng chính và đề nghị các quốc gia sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu này và tiếp thu các kiến nghị từ đề tài này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam sẵn sàng tham gia vì mục tiêu chung của các nước trong khu vực. Tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị Uỷ hội sông Mê Công quốc tế cần chủ trì để đánh giá lại quy hoạch thuỷ điện tại các nước trên dòng Mê Công từ đó có đánh giá lại cung-cầu sử dụng thuỷ điện và tăng cường phát triển hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo để tránh phụ thuộc vào thuỷ điện trên tinh thần hợp tác hiệu quả vì lợi ích chung giữa các nước trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.
Bên cạnh đó, hai bên trao đổi thêm thông tin về việc tăng cường tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với các Đối tác đối thoại và các Đối tác phát triển, các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm nâng cao vai trò của Ủy hội, huy động nguồn lực thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị cho Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra cần tăng cường củng cố nâng cao hiệu quả làm việc của Ban Thư ký, từng bước hướng tới mục tiêu Ủy hội sẽ tự chủ hoàn toàn vào năm 2030.
(Theo Báo TN&MT)