Tham dự buổi tiếp, về phía ADB có ông Vijay Padmanabhan, Trưởng Ban Phát triển đô thị và tài nguyên nước; ông Jiangfeng Zhang - Trưởng Ban Nông nghiệp và Tài nguyên và một số chuyên gia.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Chúc mừng đoàn công tác của ADB đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mối quan hệ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và ADB sẽ ngày càng bền chặt, phát triển.
Bàn về nội dung hợp tác giữa hai bên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hai cơ quan cùng xây dựng, chuẩn bị triển khai các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); trong đó, phải đặt ra cách tiếp cận mới, tìm ra mô hình phù hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ hệ sinh thái, mà ở đây việc hình thành các thành phố, đô thị thông minh có năng lực thích ứng BĐKH được coi là mô hình điểm.
Theo Bộ trưởng, để xây dựng các thành phố này, ADB có thể hỗ trợ Việt Nam điều chỉnh lại quy hoạch mang tính bền vững hơn và bảo vệ môi trường. Nguồn vốn của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) có thể được đầu tư vào các dự án ở vùng ven biển hay núi cao, khai thác năng lượng tái tạo; từ đó, thể chế hóa thành các quy định, quy chuẩn rõ ràng để áp dụng với các thành phố, đô thị khác.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)
Tán thành quan điểm này của Bộ trưởng, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB cho rằng, mô hình thành phố thông minh thích ứng BĐKH được triển khai thành công sẽ là điểm sáng ghi dấu ấn đậm nét, ý nghĩa giữa hai đơn vị.
Bên cạnh đó, theo ông Vijay Padmanabhan - Trưởng Ban Phát triển đô thị và tài nguyên nước ADB, hiện nay tại Việt Nam, ADB đang thực hiện Chương trình phát triển đô thị và môi trường vì thành phố xanh với nguồn vốn tài trợ 30 triệu USD, trong đó có xem xét các vấn đề rủi ro thiên tai cho đô thị. Đây cũng là tiền đề để lựa chọn một số thành phố của Việt Nam để thí điểm dự án thành phố thông minh.
Trân trọng sự giúp đỡ, hợp tác chặt chẽ của ADB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ rõ hơn về việc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, theo Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; Việt Nam đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, nhóm đầu tư công trình và phi công trình. “Tính toán sơ bộ, Việt Nam cần hơn 20 tỷ USD cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, thủy lợi, giao thông để tái sản xuất theo mô hình mới, bền vững, thích ứng BĐKH. Để đáp ứng được nhu cầu này, Việt Nam cần sự chung tay của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước”, Bộ trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, để ứng phó với BĐKH, Bộ trưởng cũng đề nghị ADB xem xét hỗ trợ các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về thông tin, số liệu KTTV giữa các quốc gia, nâng cao giá trị của các thông tin đó, từ đó, mới có thể thu hút tư nhân tham gia đầu tư và thương mại hóa sản phẩm của ngành.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho rằng, việc xử lý rác thải và chống rác thải nhựa đại dương nói riêng đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Sự liên kết giữa các quốc gia để giải quyết tình trạng này là điều bắt buộc. Bởi vậy, ADB có thể hỗ trợ các nước Đông Nam Á chủ động hơn trong việc hạn chế rác thải; hình thành cơ chế để tiếp cận đúng đắn vấn đề về rác, trước mắt là nhận thức: Rác là tài nguyên, rác tạo sinh năng lượng, tiếp đó là công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiệu quả.
Đặt trong bối cảnh cả thế giới đang hướng đến cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0" mà Việt Nam là một thành viên tích cực, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tham gia như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý hoạt động liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc và bản đồ của cả nước, đóng góp một phần quan trọng cho việc xây dựng dữ liệu cấp quốc gia. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ADB xem xét đầu tư, hỗ trợ để ngành tài nguyên và môi trường thực sự hiện đại hóa công tác đo đạc bản đồ.
Đồng tình với các đề nghị của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB cho biết, sẽ cụ thể hóa các hình thức hỗ trợ Việt Nam ở hai cấp độ: Hỗ trợ chiến lược và kỹ thuật. Đồng thời, ADB sẽ kêu gọi sự đầu tư của các đối tác phát triển khác và khối tư nhân, hợp lực giúp Việt Nam phát triển bền vững. “ADB sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, mối quan hệ giữa ADB và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ trở thành điển hình hợp tác hiệu quả” - ông Eric Sidgwick nói.
Trân trọng cảm ơn Eric Sidgwick và các cán bộ của ADB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, thời gian tới, hai bên sẽ cùng triển khai các dự án thực sự thiết thực, ý nghĩa, cùng trên đường hướng tới một tương lai xanh hơn, bền vững hơn.
Theo monre.gov.vn