Ngay sau khi nghe báo cáo của Bộ TN&MT do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của ngành TN&MT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu gợi ý các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT phát biểu, đóng góp vào kế hoạch công tác năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lãnh đạo các địa phương có mặt đầy đủ trong Hội nghị hôm nay, nhất là lãnh đạo các Sở TN&MT; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.
Thủ tướng đánh giá, báo cáo của Bộ TN&MT do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày đã được chuẩn bị rất công phu, tổng hợp đầy đủ, đưa rất nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát biểu một số nội dung có liên quan. “Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần nói thẳng vào các vấn đề Ngành…làm sao để phát huy được nguồn lực; kinh tế tài chính trong ngành Tài nguyên và Môi trường; công tác xã hội hóa ngành tài nguyên môi trường; những vướng mắc về thủ tục hành chính, vướng mắc giao quyền; đánh giá tác động môi trường ở các dự án hình thức hay thực chất?...” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.
Thủ tướng gợi ý các đại biểu phát biểu sáng 8/1.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, công tác cán bộ trong hệ thống ngành Tài nguyên và Môi trường là rất quan trọng. Thủ tướng cũng muốn nghe về công tác cán bộ của Ngành, nhất là về phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Một vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ quan tâm đó là những bức xúc hiện hay của tài nguyên và môi trường; vấn đề các dòng sông chết; vấn đề hạ mực nước ngầm do khai thác bừa bãi; công tác quản lý và sử dụng đất đai nông lâm trường; công tác xã hội hóa nguồn lực phát triển của Ngành; việc chấm dứt khai thác cát bừa bãi… và những vấn đề về cơ chế, chính sách.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thảo luận về thể chế chính sách pháp luật nào để giải phóng, để tạo điều kiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển. Công tác chống quan liêu, tham nhũng tiêu cực của cả hệ thống phục vụ cho đất nước, cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Đánh giá Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua rất phát triển nhưng Thủ tướng cho rằng vẫn còn khoảng cách giữa đời sống với thể chế chính sách. Và yếu tố quan trọng để thực thi chính sách là cán bộ. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường mạnh dạn điều động, kỷ luật, bãi nhiệm, khen thưởng… “Chúng ta cần khen thưởng những cán bộ làm tốt, phê phán những cán bộ làm không tốt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Cái mà tôi muốn nói ở đây là cán bộ ở hệ thống ngành từ trung ương đến địa phương để tạo nguồn lực, để phát triển…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đánh giá cao hệ thống khoa học công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều tiến bộ so với nhiều ngành khác, Thủ tướng đánh giá đây là điều kiện để ngành tài nguyên và môi trường phát triển.
Về nội dung thảo luận, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cần đi sâu vào những vấn đề bức xúc hiện nay, nhất là trách nhiệm của cấp Tổng cục, các Cục, UBND các tỉnh, thành phố; các sở TN&MT,… “Ví dụ như: Khí tượng thủy văn có quan hệ trực tiếp với phòng chống thiên tai, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến của thế giới để giảm thiểu thiệt hại; hay vấn đề rác thải nhựa, cả Việt Nam hiện nay nhựa nhiều hơn cá… vậy trách nhiệm quản lý thuộc về ai?” – Thủ tướng gợi ý.
Và trong năm 2019, mục tiêu năm nay mà Chính phủ đề ra với 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, có “bứt phá”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Vậy thì, “Bứt phá” trong ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019 là gì?... Thủ tướng mong các đại biểu phát biểu làm rõ.
Các chỉ tiêu chính ngành TN&MT đề ra trong năm 2019 - 100% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; - 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý; - 2% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; - 62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ; - 55% số trạm quan trắc KTTV được tự động hóa; xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL kết nối liên vùng; - 28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản với tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản với tỷ lệ 1:50.000; |
Sau phát biểu gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị tiếp tục nghe lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lâm Đồng, An Giang, Quảng Ninh…; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương phát biểu tham luận.