Tin tức - Sự kiện

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2018

15:01, 03/01/2019

1. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. 

Xuyên suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Nghị quyết đề ra 05 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; 03 khâu đột phá; 07 nhóm giải pháp chủ yếu.
 


2. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ

Lần đầu tiên, hoạt động chuyên ngành lĩnh vực đo đạc và bản đồ của nước ta được chuẩn hóa thành Luật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0; làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học trái đất; cung cấp các dữ liệu cơ bản điều tra cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai; góp phần bảo vệ vững chắc và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nâng cao dân trí.

 

Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều thể hiện trong 9 chương. Luật đã được xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Thứ nhất, đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành;

Thứ hai, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định.

Thứ ba, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương;

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ năm, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý;

Thứ sáu, xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ bảy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;

Thứ tám, chuẩn hóa và làm chính xác, thống nhất một số khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, làm cơ sở thống nhất việc sử dụng các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành.

Nội dung chính của Luật Đo đạc và bản đồ

Chương I. Những quy định chung (gồm 9 điều). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ.

Chương II. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản (gồm 12 điều). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; dữ liệu ảnh hàng không; dữ liệu ảnh viễn thám; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; thể hiện biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ; đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính; yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh; trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa.

Chương III. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành (gồm 10 điều). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc cơ sở chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; thành lập bản đồ hành chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ hàng không dân dụng; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập tập bản đồ; đo đạc, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác.

Chương IV. Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm 03 điều). Chương này quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Chương V. Công trình hạ tầng đo đạc (gồm 04 điều). Chương này quy định về các loại công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc; sử dụng mốc đo đạc; bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

Chương VI. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (gồm 12 điều). Chương này quy định về: Hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quy định chung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dịch vụ về dữ liệu không gian địa lý quốc gia; sử dụng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; yêu cầu đối với xuất bản bản đồ; hoạt động xuất bản bản đồ.

Chương VII. Điều kiện kinh doanh dịch vụ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo đạc và bản đồ (gồm 05 điều). Chương này quy định về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ.

Chương VIII. Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (gồm 06 điều). Chương này quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ bao gồm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Chương IX. Điều khoản thi hành (gồm 2 điều).

 



3. Nhiều chủ trương của Đảng về quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu được tổng kết, sơ kết đánh giá một cách toàn diện

Năm 2018, Bộ đã chủ động tham mưu tổng kết, sơ kết đánh giá toàn diện nhiều chủ trương của Đảng về quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu.

Điển hình như sơ kết đánh giá Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Quá đó, khẳng định những kết quả đạt được cần phát huy; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục tập trung chỉ đạo trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi để phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước giai đoạn tới.

4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước thực trạng tồn đọng số lượng lớn phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, Chỉ thị yêu cầu trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra đánh giá toàn diện công tác cấp Giấy xác nhận trong nhập khẩu phế liệu; không cấp mới hoặc gia hạn Giấy xác nhận nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu và chỉ cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giải quyết, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... 

Cũng trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 chủng loại phế liệu nhập khẩu có nhu cầu sử dụng lớn hiện nay là sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao.


5. Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6): Sự kiện quốc tế quy mô toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức

Kỳ Đại hội có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu gồm một số nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan môi trường của 183 quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ về môi trường, các định chế tài chính quốc tế, đại diện một số đối tác phát triển tại Việt Nam, các chuyên gia về môi trường…, để thảo luận những vấn đề môi trường của thế giới. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp kêu gọi cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.

Tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’, nhấn mạnh tương lai phát triển bền vững của nhân loại phụ thuộc vào hành động hôm nay. Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, các quốc gia cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF, bà Naoko Ishii cho rằng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp. Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch GEF cũng đồng thời nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh thế thông thường sang kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF rất hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Bà cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.

Tại Phiên khai mạc toàn thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã được bầu làm Chủ tịch Kỳ họp Đại Hội đồng GEF lần thứ 6. Bộ trưởng đã điều hành Đại hội đồng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với GEF, cũng như các định hướng lớn trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu.

Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp.

Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề và tham gia sâu vào các Phiên họp Bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển Đông Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ.

Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững.

Để hưởng ứng Kỳ họp Đại hội đồng GEF, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Chung tay bảo vệ đại dương” thu hút sự tham gia của gần 1 nghìn người để cùng với nhau thể hiện cam kết và hành động loại bỏ nhựa dùng một lần, từ chối những thứ không thể tái sử dụng - Cùng nhau tạo ra một thế giới xanh hơn, sạch hơn.

Bên lề Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana; đã có các cuộc tiếp Lãnh đạo của UNDP, ADB, UNIDO, WB và tập đoàn Unilever; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng cũng có buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế về môi trường như UN, WB, UNIDO, FAO, WWF, IUCN,… góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự chuẩn bị, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND TP. Đà Nẵng; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp GEF6 đã thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Qua Kỳ họp này, Việt Nam đã khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên toàn thế giới trong việc giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu.

Cũng trong năm 2018, nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức thành công như Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế; Đại hội Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Á lần thứ 15; Phiên họp lần thứ 25 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế... Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc  tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng Ảnh: TTXVN

6. Sáng kiến về thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

Sáng kiến về thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada và tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.

Ngay sau đó, tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) năm 2018 được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 160 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện này sẽ thúc đẩy sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương; đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung vì một đại dương khỏe mạnh.”

Để thực hiện sáng kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong vấn đề này. Hiện nay, Bộ đang hợp tác với các cơ quan của Canada khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; làm việc với Ngân hàng Thế giới để phối hợp xây dựng Dự án “Thiết lập quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”; phối hợp với đối tác Nhật Bản xúc tiến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam...

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường phát động rộng khắp phong trào chống rác thải nhựa, giảm dần sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã được nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng hưởng ứng tích cực. Điểm nhấn là Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/10 nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy.

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa. Lễ phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía đại diện các, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội siêu thị, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ với việc cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Ngoài ra, từ giữa năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện “không sử dụng chai nhựa dùng một lần” trong các cuộc họp, hội nghị tổ chức tại trụ sở cơ quan bộ cùng nhiều hành động “nhỏ” khác để cùng hướng tới mục tiêu “toàn cầu” về giảm rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương.

7. Công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu tại Phiên họp lần thứ 204 Hội đồng chấp hành UNESCO được tổ chức tháng 4 năm 2018 tại Pa-ris, Cộng hòa Pháp

Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được công nhận tiếp sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; danh hiệu thứ 38 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á. 

Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng rộng gần 3.300km², trải rộng trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo độc đáo, giá trị tầm cỡ quốc tế điển hình thông qua các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông; nhiều di sản giá trị minh chứng khoa học lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm.

8. Hà Nội – Thành phố đầu tiên của nước ta đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiện đại

Theo đó đến năm 2018, Hà Nội hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 01 xe quan trắc không khí lưu động; 06 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu Tài nguyên và Môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác.

Số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h; công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống. Tuy nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường trước các tác động và áp lực mạnh mẽ của nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố còn nhiều khó khăn; cần các giải pháp quản lý, kỹ thuật đồng bộ và tổng thể.

9. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Năm 2018, ứng dụng thành công hệ thống tương tác, liên thông, xử lý, gửi, nhận văn bản, hồ sơ trực tiếp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 63 Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thuộc Chính phủ. Chính thức cắt giảm 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62,6%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ là 12,6%); cắt giảm 38/74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) được quy định Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính

Hệ thống có 6.850 người dùng; trao đổi, xử lý hiệu quả trên 51.400 văn bản, hồ sơ điện tử; liên thông trên trục văn bản của Chính phủ với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh với trên 10.900 văn bản; trao đổi, liên thông trực tiếp với các Sở Tài nguyên và Môi trường 9.800 văn bản với đa số có xác thực chữ ký số điện tử. Việc sử dụng hệ thống tương tác, liên thông trực tiếp trên môi trường mạng điện tử đã trợ giúp công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công vụ; đảm bảo tiến độ, thời hạn và tiết kiệm chi phí.

Trong gần nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà luôn quan tâm, coi trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị; các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2017, Bộ đã ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ, phiên bản 1.0 (Quyết định số 3339/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2017). Năm 2018, Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phiên bản kiến trúc Chính phủ điện tử ngành, phiên bản 2.0. Trong đó, đảm bảo sự kết nối của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành từ Trung ương đến địa phương thông qua trục liên thông trung ương - địa phương (NGSP) và phù hợp với kiến trúc Chính quyền điện tử của địa phương. Đây được coi là “bản kiến trúc” hoặc “bản kế hoạch” mang tính chất định hướng, là cơ sở cho các hoạt động phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ sau này.

Bộ đã có Cổng thông tin điện tử và một số ứng dụng về công nghệ thông tin được triển khai như: Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về tài nguyên và môi trường; Hệ thống báo cáo trực tuyến ngành; Hệ CSDL quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường… Các ứng dụng công nghệ thông tin này nhằm giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 09/8/2018, Bộ trưởng đã có Chỉ thị số 01/CT-BNTMT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện việc sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử hành chính có xác thực chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử; sử dụng triệt để trục liên thông văn bản của Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Chỉ thị đó cũng được Bộ trưởng “làm mẫu” sử dụng chữ ký số.

Ngoài ra, toàn bộ tài liệu được cung cấp theo hình thức trực tuyến tại các cuộc họp hàng ngày, tại các Hội nghị giao ban hàng tháng, hàng quý do Lãnh đạo Bộ chủ trì cũng góp phần giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và công sức.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức cắt giảm 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62,6%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ là 12,6%); cắt giảm 38/74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương là một trong 6 Bộ dẫn đầu hoàn thành chỉ tiêu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan tới việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ngày 5/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nghị định này đã sửa đổi 11 nghị định có liên quan thuộc 06 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.

Trong Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 62,6% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực tài nguyên và môi trường), trong đó bãi bỏ 77 điều kiện; sửa đổi 25 điều kiện; đồng thời Nghị định cũng bãi bỏ, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính có liên quan.

Cụ thể: Lĩnh vực đất đai: 17 điều kiện (bãi bỏ 08 điều kiện, sửa đổi 09 điều kiện); Lĩnh vực môi trường: 48 điều kiện (bãi bỏ 43 điều kiện; sửa đổi 05 điều kiện), bãi bỏ 08 thủ tục hành chính; Lĩnh vực khoáng sản: 07 điều kiện (bãi bỏ 05 điều kiện; sửa đổi 02 điều kiện; Lĩnh vực tài nguyên nước: 28 điều kiện (bãi bỏ 21 điều kiện; sửa đổi 07 điều kiện), bãi bỏ 01 thủ tục hành chính; Lĩnh vực khí tượng thủy văn: sửa đổi 01 điều kiện

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ (12,6%). Đáng chú ý là Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, như vậy hơn 62% điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực tài nguyên và môi trường chính thức được cắt giảm kể từ ngày 5/10/2018.

Trước đó, ngày 14/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư này đã sửa đổi, bãi bỏ một số các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của 03 Thông tư thuộc lĩnh vực môi trường (liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), biến đổi khí hậu (liên quan đến xuất, nhập khẩu các chất HCFC) và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.

Ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức bãi bỏ 51,3% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT, đồng thời bãi bỏ và đơn giản hóa 10/10 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.

Bên cạnh cắt giảm danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kịp thời ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu, thông quan các hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Để ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sửa đổi 14 văn bản quy phạm pháp luật (11 nghị định và 03 thông tư) có liên quan để chính thức pháp lý hóa các cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Như vậy là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ qua đó tháo gỡ những vướng mắc trong đơn giản hóa thủ tục hành chính,tạo thuận lợi và không làm phát sinh các quy định làm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

10. Tìm thấy nước ngọt tại đảo Bạch Long Vĩ

Đầu năm 2018 đã tìm ra và khoan thành công 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) tại huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng với độ sâu 80m, đạt lưu lượng tương đương là 0,526l/s, 0,35l/s nước ngọt, tương đương với lưu lượng tổng cộng là 75m3/ngày; xây dựng, chuyển giao trạm xử lý nước để đưa vào sử dụng cho sinh hoạt. Phát hiện này góp phần quan trọng trong việc mở ra hướng giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho nhân dân các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của nước ta cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhà khoa học Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường) đã tìm ra nguồn nước ngọt, khoan thành công hai giếng cấp với trữ lượng an toàn 100m3/ngày ngay tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).

Những ngày đầu năm 2018 đã tìm ra và khoan thành công 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng với độ sâu 80m, đạt lưu lượng tương đương là 0,526l/s, 0,35l/s nước ngọt, tương đương với lưu lượng tổng cộng là 75m3/ngày; xây dựng và chuyển giao trạm xử lý nước để đưa vào sử dụng cho sinh hoạt. Phát hiện này góp phần quan trọng trong việc mở ra hướng giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho nhân dân các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của nước ta cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi tìm được mạch nước, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã khẩn trương xây dựng trạm xử lý cấp nước để phục vụ nhân dân. Như vậy, với 4 giếng khoan hiện có, đáp ứng được 90m3/ngày và còn thiếu khoảng 120m3/ngày. Dự kiến hai hồ chứa nước ngọt với dung tích 48.000 m3 sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018.

Những năm qua, đảo Bạch Long Vỹ luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt. Vào mùa khô năm 2017, tình trạng thiếu nước gay gắt đã xảy ra trên đảo. Người dân đã phải mua nước ngọt với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/m3. Vất vả hơn là những ngư dân trên biển, họ phải mua nước ngọt với giá cao gấp đôi, gấp ba và nhiều khi còn không có nước để mua.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường