Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 24/7
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu phế liệu của một số nước trên thế giới đã làm dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn về các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã gây ra tồn đọng phế liệu rất lớn tại các cảng biển. Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, Ngành phải có biện pháp chủ động phòng ngừa từ xa và có các chính sách dài hạn cho đất nước. Bên cạnh đó, xây dựng quyết định, định hướng để các ngành sản xuất trong nước chủ động với những nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu cần thiết trong quá trình sản xuất và ngăn chặn việc đưa các nguồn chất thải vào các cơ sở trong nước để sơ chế, biến đất nước thành nơi trung gian vận chuyển, tái chế...
Tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã báo cáo về hiện trạng, mục tiêu và đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm xử lý tình trạng các nguồn phế liệu đang tồn đọng tại các cảng Việt Nam hiện nay.
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các Bộ, Ngành đều thống nhất cao việc phải thắt chặt, loại bỏ những loại phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục loại chất thải mà một số nước trong khu vực đang cấm nhập khẩu); loại bỏ những loại phế liệu trong danh mục mà trong những năm qua các doanh nghiệp Việt Nam không nhập về để làm nguyên liệu sản xuất; loại bỏ, hạn chế (có lộ trình) đối với một số loại phế liệu mà nguồn nguyên liệu trong nước đã có.
Các Bộ, Ngành, Hiệp hội thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, rà soát, điều chỉnh danh mục 36 mã phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam, theo 4 nhóm tiêu chí: sẽ hạn chế hoặc cấm các loại phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao; phế liệu nhập khẩu đã đảm bảo đủ nguồn cung trong nước; phế liệu có nằm trong danh mục nhưng trong thời gian qua, không hoặc rất ít được các doanh nghiệp nhập khẩu; nhóm phế liệu nhập khẩu không hoặc khó xác định ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường để giám định chất lượng. Dự kiến nhóm mã phế liệu giấy khác không phân loại hoặc nhựa khác không phân loại có nguồn gốc từ sinh hoạt, mã xỉ hạt lò cao có thể sẽ hạn chế và tiến tới loại bỏ.
Ông Vũ Lê Quân, Cục Phó Cục giám sát, Tổng cục Hải Quan phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. “Cuộc họp nhận được sự thống nhất đồng thuận cao, một tinh thần trách nhiệm trước nguy cơ đe dọa tới môi trường trước tình trạng nhập khẩu và lợi dụng nhập khẩu phế liệu thải vào Việt Nam. Các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân, trong đó có nhiều chính sách chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ, có những khe hở còn bị lợi dụng nên dẫn đến có những lô hàng vô chủ, lợi dụng nhiều hình thức để đưa phế thải vào Việt Nam” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, với sự tham mưu, tư vấn của các Bộ, Ngành và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra những chủ trương, chính sách có tầm nhìn dài hạn về nhu cầu nhập khẩu phế liệu, trong đó chú trọng nhu cầu thực tế cần thiết và cân đối với cả năng lực cung ứng, cung cấp nguyên vật liệu trong nước. Đối với những đơn vị nhập khẩu phải đáp ứng được đầy đủ những điều kiện nghiêm ngặt của các Bộ, Ngành đặt ra và phải chịu trách nhiệm chính nếu xảy ra những trường hợp vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam tham dự cuộc họp
Bộ trưởng cũng đồng quan điểm với các ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất với 4 nhóm tiêu chí phế liệu sẽ hạn chế hoặc cấp nhập phế liệu về Việt Nam. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc này cần phải thực hiện càng sớm càng tốt, bởi thực tế cho thấy các mã hàng hóa trong 4 nhóm này đều không hiệu quả và phát sinh tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng tán thành với ý kiến những đơn vị được nhập phế liệu phải dựa trên nhu cầu thực trạng sản xuất, thể hiện được các năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lực trách nhiệm; đối với những tổ chức, doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ dứt khoát không cấp phép cho nhập phế liệu để tránh tình trạng phế liệu "vô chủ" như hiện nay tại các cảng biển. Đối với việc nhập ủy thác thì các nhà sản xuất có thể thông qua các doanh nghiệp nhập phế liệu khác thông qua các hợp đồng ủy thác, nhưng trách nhiệm chính vẫn phải là các nhà sản xuất. Đặc biệt, đối với nhà sản xuất chỉ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sơ chế rồi xuất khẩu thì hoàn toàn không ủng hộ. "Việc nhập phế liệu về cho các nhà máy chỉ khuyến khích dùng vào việc sản xuất thương mại, sản phẩm chất lượng cao chứ không phải chỉ xử lý thô rồi tái xuất, nếu tái xuất sản phẩm thô sẽ biến Việt Nam thành nơi tập kết rác thải" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký hiệp hội nhựa Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
Đối với khoảng 6.000 container phế liệu đang tồn đọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Bộ, Ngành cũng thống nhất cần khẩn trương xử lý, tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với nhà nhập khẩu có đầy đủ điều kiện thì nhanh chóng cho thông quan, có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm chất lượng phế liệu nhập khẩu, thay bằng tiền kiểm như hiện nay. Bộ trưởng đề nghị có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết số lượng hàng tồn đọng, vừa hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự, vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Công thương sẽ cấm những hàng hóa phế liệu nằm trong nhóm cấm nhập, lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất, trung chuyển phế liệu để tránh tình trạng tồn đọng tại Việt Nam. Đề nghị các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, các Bộ, Ngành liên quan và các Hiệp hội phổ biến cho các đơn vị về việc tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra các lô hàng phế liệu được nhập vào Việt Nam. Một đơn vị hàng nhập vào phải đảm bảo được hồ sơ thông tin đầy đủ về nhà sản xuất sử dụng phế liệu, nhà nhập khẩu ủy thác, giấy phép nhập khẩu...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng cảm ơn các Hiệp hội ngành nghề sản xuất đã thể hiện được trách nhiệm của mình khi có những ý kiến đóng góp quan trọng trước thách thức hiện nay của đất nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết đúng đắn, hài hòa; đảm bảo được quyền lợi, lợi ích cho những đơn vị tuân thủ theo pháp luật.
Theo Monre