Tham dự buổi làm việc cùng Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo; Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Văn phòng Bộ. Về phía các cơ quan và đối tác quốc tế có Bà Ping Kinikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam; ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam; bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc; bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP; bà Lê Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia UNIDO; bà Cecile Le Roy, Giám đốc Chương trình, Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam; ông Jorg Ruger, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phụ trách về Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển đô thị; và ông Nicolas Drouin, Quyền Trưởng phòng Hợp tác, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các cơ quan quốc tế đều hết sức ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong đó có những chương trình cam kết, bảo vệ môi trường hết sức thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương lớn. Trước thực trạng đó, với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tích cực giảm lượng rác thải nhựa cũng như làm sạch đại dương, các cơ quan, đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn thảo luận cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các chính sách khả thi có thể hỗ trợ Việt Nam đối với vấn đề giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên tinh thần xây dựng và hợp tác, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, làm sạch đại dương , nhất là các chương trình phát động, truyền thông để tuyên truyền tới đông đảo tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan đối tác quốc tế đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đồng tổ chức một sự kiện vào ngày 04 tháng 6 năm 2018 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, với mục đích tuyên truyền và thu hút sự chú ý của báo chí và xã hội đối với vấn đề ô nhiễm nhựa, nhân dịp Ngày Môi trường Thế giới năm 2018; và mong muốn sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi tọa đàm trong sự kiện này.
Toàn cảnh buổi tiếp
Hoan nghênh và cảm ơn Lãnh đạo của các cơ quan quốc tế tại Việt Nam đã dành thời gian thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Chính phủ các nước Canada, Hà Lan, Anh, Thụy Sỹ, Đức và các tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, UN, EU Delegation) trong thời gian qua đã tích cực hỗ trợ vàhợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nhất trí với vấn đề tăng cường tuyên truyền và thu hút sự chú ý của báo chí và xã hội đối với vấn đề ô nhiễm nhựa nhân dịp Ngày Môi trường Thế giới năm nay mà các cơ quan quốc tế đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ cử đại diện Lãnh đạo của Bộ sẽ tham gia và có bài phát biểu khai mạc, tại buổi tọa đàm trong sự kiện này.
Đối với vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo về vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm đại dương, môi trường như thực trạng hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến 2025 “Sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; các chính sách thuế đối với việc sử dụng túi nilon. Tuy nhiên vẫn cần có những chính sách, lộ trình cụ thể hơn trong việc kiểm soát và quản lý sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mục tiêu của Việt Nam sẽ ban hành cơ chế chính sách buộc các doanh nghiệp sản xuất các rác thải nhựa phải có trách nhiệm thu gom, tái chế những sản phẩm này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm thu gom, phân loại rác thải, chất thải và khuyến khích sử dụng các vật liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tự phân hủy; phân loại các sản phẩm sản xuất thân thiện với môi trường và khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm đó...
Đối với những ý kiến của các cơ quan, tổ chức quốc tế về vấn nạn rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang có sự nhận thức đúng đắn tới vấn đề này và đang rất tích cực thực hiện những chính sách để cũng như tìm ra các giải pháp thích hợp nhất để đưa Việt Nam có thể phát triển về kinh tế nhưng vẫn gìn giữ và bảo vệ được môi trường, đại dương.
Học tập những mô hình, kinh nghiệm của thế giới, hiện nay Việt Nam đang rất nỗ lực đưa ra các giải pháp như phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất và tiêu thụ của con người, xử lý chất thải nhựa, các sáng kiến, chiến dịch làm sạch biển, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thay thế phù hợp và thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức một sự kiện bên lề với chủ đề rác thải nhựa biển diễn ra tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) diễn ra vào tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng, do Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức. Hội nghị và các sự kiện liên quan của GEF 6 do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký GEF tổ chức. Việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, một lĩnh vực đang ngày càng thu hút sự quan tâm và nỗ lực toàn cầu.
Bộ trưởng cũng mong muốn các cơ quan, đối tác quốc tế nhiệt tình tham gia hội nghị và phối hợp cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để trao đổi thảo luận nhằm đưa ra những sáng kiến đối với vấn đề của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khương Trung