Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là cơ hội để Quốc hội, cử tri có đánh giá khách quan, toàn diện về nhiệm vụ này của các bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Sáng 2/1/2025, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn để triển khai kế hoạch trong công tác phối hợp với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” theo Nghị quyết số 130/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Lê Công Thành; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 130/2024/QH15 và Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 4923/VPCP-QHĐP ngày 12/7/2024 về việc thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các cuộc họp để phân công đơn vị đầu mối, các đơn vị phối hợp… để phối hợp với Đoàn giám sát.
Các cơ quan chuyên môn của Bộ cũng đã làm việc với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Ủy ban Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để thống nhất trong việc đề xuất các nội dung giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và phối hợp, chuẩn bị các nội dung khác phục vụ Đoàn giám sát đồng thời xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đối tượng chịu sự giám… Đến nay, Dự thảo Kế hoạch chi tiết và 14 Đề cương báo cáo nêu trên đã được lấy ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, đã được tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo cũng nêu, dự thảo Kế hoạch đã xác định các mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát phải bảo đảm yêu cầu là việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được xác định trong các văn kiện của Đảng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc tiến hành giám sát đúng quy định pháp luật; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và tiến độ theo kế hoạch….
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nghe các ý kiến đóng góp, bổ sung vào Kế hoạch cho hoạt động giám sát cũng như các nhiệm vụ chuyên môn về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, nhiệm vụ phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2025, do đó cần phải đầu tư các nguồn lực của Bộ để thực hiện nhiệm vụ này. Theo Bộ trưởng, thông qua công tác Giám sát tối cao của Quốc hội sẽ là cơ hội để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có sự nhìn nhận khách quan, toàn diện về lĩnh vực bảo vệ môi trường của cả quốc gia nói chung cũng như của các cơ quan chính phủ, các lĩnh vực, địa phương nói riêng… Trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Về nhiệm vụ của Bộ để phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra các nhóm nhiệm vụ và đề nghị các cơ chuyên môn được giao phải thực hiện sớm nhất, trong đó tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và các nhiệm vụ thuộc nội dung giám sát; khẩn trương xây dựng các báo cáo giám sát, trong đó phải phản ánh toàn diện, khách quan, thực chất trong công tác bảo vệ môi trường từ đó đưa ra các kiến nghị với Đoàn giám sát, với Quốc hội để tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công các đầu mối chuyên môn để phối hợp với Đoàn giám sát (trước, trong và sau hoạt động); xây dựng các dự thảo chuyên đề hoạt động và tổ chức, kiện toàn lại bộ máy để triển khai các hoạt động sau giám sát.
Với những nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên kế hoạch cụ thể để phân công, phân nhiệm cho các cơ quan cùng phối hợp, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; truyền thông mạnh mẽ trong quá trình hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Ý kiến bạn đọc