Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Phan Như Nguyện, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Về phía các cơ quan Trung ương có các đồng chí đại diện lãnh đạo: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Quốc hội;Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Cùng dự Hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương: Văn phòng Trung Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về phía các địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương An Giang, Bắc Cạn, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, thành phố Hải Phòng, Hà Nam, Hà Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Long An, Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Nam, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Tuyên Quang.
Về phía ngành TN&MT có đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố.
Đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong hoàn thiện chính sách, pháp luật TN&MT
Báo cáo tổng kết của Bộ TN&MT chỉ rõ, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong năm, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất định; cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị gia tăng; tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm; các thách thức an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp, đa chiều đến phát triển của nhiều quốc gia, khu vực.
Ở trong nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định, tăng trưởng ở mức cao, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước các tác động bên ngoài, cũng như những hạn chế, bất cập nội tại, đồng thời phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, dự báo chính xác tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều quyết sách; đồng thời, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước.
Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đặc biệt, nhiều kết quả quan trọng của ngành TN&MT đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao. Nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.
Cùng với đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các - bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Nhân dịp này, phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, cảm ơn những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mỗi vị trí công tác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành TN&MT và sự phát triển chung của đất nước.
Ngành TN&MT đoàn kết, bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều ngày lễ lớn của quốc gia và dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 -2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trong bối cảnh đó, Ngành TN&MT đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2025 với tinh thần: “Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả”.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, toàn Ngành TN&MT phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực của Ngành; tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương; các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm; chủ động, linh hoạt trong huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượngvà các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.
Ngành cũng đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đặt được trong năm 2025, cụ thể: Hoàn thành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành TN&MT theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số18-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT được tổ chức thực thi đồng bộ, đầy đủ, toàn diện, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với hệ thống thông tin đất đai theo mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết số18-NQ/TW vào năm 2025.
Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường: trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30 - 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
Hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ.
Hoàn thành từ 90-100% các hồ chứa lớn, quan trọng hoàn thành việc cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước; hoàn thành xây dựng kịch bản nguồn nước trên 8 lưu vực sông đã có quy hoạch tổng hợp, để công bố kịch bản nguồn nước vào đầu năm 2025.
Tự động hóa 65% số trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thuỷ văn.
Đạt 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000. Bảo đảm 100% các trạm định vị vệ tinh quốc gia hoạt động liên tục.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Hội nghị nghe phát biểu của đại diện Lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị sẽ nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà định hướng cho ngành TN&MT trong thời gian tới.
Theo Báo TN&MT
Ý kiến bạn đọc