Tin nổi bật

Lễ trao giải Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”

16:06, 06/12/2024

Ngày 06/12/2024, tại Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT long trọng tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Tham dự buổi lễ có Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; các thành viên hội đồng giám khảo,Bà Nguyễn Hải Yến -  Cán bộ phụ trách đổi mới sáng tạo mảng nhựa - Ban Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP Việt Nam; Các cá nhân, tập thể, tổ chức đạt giải cuộc thi.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa đặc biệt là ô nhiễm “Trắng do nhựa dùng một lần gây ra, đã và đang là thách thức lớn đối với xã hội. Rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động giảm thiểu, tìm ra những giải pháp, những hướng đi mới chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các sáng kiến, giải pháp công nghệ mới, cải tiến chuối giá trị tuần hoàn qua đó lan tỏa và tôn vinh những kinh nghiệm, ý tưởng, mô hình sáng kiến hữu ích trong giảm thiểu và xư lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt, sản xuất nhằm giảm thiểu, quản lý và xử lý hiệu quả chất thải nhựa góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

 

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 ý tưởng, sáng kiến dự thi từ khắp mọi miền tổ quốc. Theo đánh giá của Ban giám khảo, Các ý tưởng, sáng kiến tham dự cuộc thi có khả năng áp dụng cao vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao trong việc giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ trong hộ gia đình, cộng đồng mà có thể áp dụng trực tiếp vào chuỗi cung ứng nguyên liệu tạo ra nền kinh tế tuần hoàn nhựa, thúc đẩy các doanh nghiêp phát triển bền vững.

 

20 sáng kiến được hội đồng đề xuất trao giải gồm:

02 giải Nhất được trao cho:

Sáng kiến “ Thiết bị tự động thu gom rác thải nhựa trên ao, hồ chạy bằng năng lượng mặt trời”, tác giải Nguyễn Quang Nam;

Sáng kiến “Ứng dụng nhựa sinh học từ thực vật (plant-based composite) thay thế nhựa gốc dầu hoả trong lĩnh vực đóng gói bao bì” tác giả Trần Ngọc Dung.

 

04 giải Nhì:

- Hướng dẫn và giám sát hoạt động phân loại rác tại nguồn và sự tham gia của người dân trong việc trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải phát sinh trên địa bàn - Tổ bảo vệ môi trường cộng đồng phường Cẩm Nam, TP Hội An;

- Giải pháp xanh – Nội thất tái chế  - Upgreen Việt Nam;

- WINDOU - Ứng dụng tính toán và thương mại rác thải tái chế thông qua Tín chỉ Carbon - Nguyễn Đình Phong;

- Máy ép chất thải tái chế cỡ vừa và nhỏ VMECO.2024 - Công ty Cổ phần Môi trường Vietmap.

 

 06 giải Ba:

- Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nhiệt phân liên hoàn ở điều kiện áp suất âm để xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu đốt (gas, dầu, than) – Công ty TNHH Chế tạo Thiết bị phát triển công nghệ cao Tam Nguyên;

- Xử lý rác thải nhựa bằng hiệp đồng với vỏ trấu và dolomit thành viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường – Nhóm Đất Biển Kiên Giang;

- Hướng dẫn phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn - Công ty TNHH MTV SX TM DV Môi trường Á Châu;

- Triển khai, nhân rộng mô hình “Giải pháp xanh giải quyết lượng rơm, rạ dư thừa giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương” - Lê Thị Hảo;

- Sản xuất xà phòng thảo mộc từ dầu ăn cũ đã qua sử dụng - Cũ Đổi Xanh - Change Life;

- Xe rác đẩy tay trợ lực điện (thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác) nhãn hiệu CyanDuck® - Công ty CP Vật Liệu Kiến Trúc Và Xây Dựng Việt Nam (MAB Vietnam., Jsc).

 

 08 giải Khuyến khích:

- Ứng dụng bùn thải từ nhà máy xử lý nước thải công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung - Nhóm ESS;

- ZestAroma – Chiết tách tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam bưởi - GVC.TS Nguyễn Minh Việt;

- Đèn chiếu sáng thông minh làm từ vật liệu tái chế - Nguyễn Thị Xuân Hồng;

- Bộ công cụ hỗ trợ kéo giấy chấm trắc nghiệm bằng điện thoại - Trường THCS-THPT Long Phú;

- Máy cuộn rác bảo vệ môi trường - Trường Tiểu học Hòa Lộc;

- Gạch tái chế bảo vệ môi trường – Greenbrick;

- Rèn luyện ý thức của học sinh bảo vệ môi trường qua mô hình Ngôi nhà 200 đồng trong trường học - Trần Văn Thuận;

- Dự án Du lịch trách nhiệm - Tào Vân Anh, Đặng Lê Trà My, Nguyễn Thị Yến Nhi (A little Vietnam+).

Bên lề Lễ trao giải, Trung tâm Truyền thông và môi trường tổ chức triển lãm trưng bày các sản phẩm, dự án đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn; các gian hàng kết nối và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tại Khách sạn Grand Tourane Đà Nẵng ngày 06 tháng 12 năm 2024. Triển lãm trưng bày những tác phẩm xuất sắc nhất của các tác giả tham dự Cuộc thi. Thông qua chương trình BTC mong muốn các ý tưởng sáng tạo sẽ trở thành những bước tiến đột phá, tiên phong trong mở đường cho một tương lai xanh hơn, một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, BTC Cuộc thi tin rằng các sáng kiến, ý tưởng tham dự tại cuộc thi không chỉ giải quyết các vấn đề về nhựa và còn giúp kiến tạo một đất nước xanh, sạch, phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu.

 

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc