Tin nổi bật

Phối hợp với các cấp hội nông dân hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và trung hòa các-bon

18:14, 24/11/2024

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân nhằm tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_14.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tham dự diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”

Phát biểu kết luận diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã trân trọng cảm ơn Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức và đồng chủ trì Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng này.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận với hơn các nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ hội nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các Hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp...

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_27.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng rằng các ý kiến trao đổi, giải đáp, hướng dẫn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và sẽ được vận dụng hiệu quả trong quá trình triển khai trên thực tế.

Trong đó, các đại biểu nông dân đã trao đổi về nhóm nội dung thảo luận liên quan tới các giải pháp, chính sách khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững; thảo luận, đối thoại về triển khai các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan mật thiết đến nông nghiệp, nông thôn; các đại biểu cũng trao đổi về các cơ chế, chính sách, giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cam kết của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0...

Các nội dung được nêu tại Diễn đàn cơ bản đã được đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giải đáp, làm rõ. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng rằng các ý kiến trao đổi, giải đáp, hướng dẫn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và sẽ được vận dụng hiệu quả trong quá trình triển khai trên thực tế.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_17.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ghi nhận, diễn đàn đã nhận được những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ hội nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các Hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, các nội dung thảo luận tại Diễn đàn là sự chuẩn bị về nội dung quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây.

Trên tinh thần Chính phủ sẽ đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng nông dân; lấy người nông dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn kịp thời các câu hỏi, ý kiến chưa được trực tiếp trả lời tại Diễn đàn; đồng thời phối hợp, tập trung thực hiện tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm:

small_bt-chup-luu-niuemej.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Thứ nhất, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân, hợp tác xã tích cực quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, người dân nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Xác định thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_16.jpg

Xác định thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động trong thực hiện các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; lồng ghép với tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Đặc biệt, gắn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tài nguyên và môi trường với giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang lại những lợi ích thiết thực cho bà con nông dân; tạo điều kiện để bà con tiếp cận những chính sách mới, khơi thông các nguồn lực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng vươn lên, nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chung tay, góp sức xây dựng nông nghiệp sinh tái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tăng cường truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật, các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình, tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, truyền thông của các cấp hội nông dân; lồng ghép việc thực hiện các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trong các mô hình, hoạt động phong trào, công tác thông tin, truyền thông của các cấp hội.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_22.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự diễn đàn

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong đó tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dân thi hành.

Đối với việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, có rất nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, cũng như chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần được phổ biến, hướng dẫn sâu rộng để người nông dân nắm bắt, vận dụng các chính mới này để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế nông thôn và tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_30(2).jpg

Toàn cảnh diễn dàn

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; đề xuất chính sách thu hút các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong nông nghiệp. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực phát triển nông nghiệp; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon nói chung, và trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp nói riêng.

Thứ tư, thường xuyên cập nhật, hướng dẫn người dân, cộng đồng các kế hoạch, phương án phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, địa bàn trung du, miền núi. Thực hiện các giải pháp tổng thể về phòng, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún vùng đồng bằng sông Cửu Long; chủ động quy hoạch, di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

Thứ năm, tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.

Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; tiếp tục phân cấp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng dân cư.

Thứ sáu, tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.

small_20241124_bt-doi-thoai-nong-dan_13.jpg

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã trân trọng cảm ơn Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức và đồng chủ trì Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng này.

“Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, cùng với tình cảm đặc biệt dành cho bà con nông dân và các cấp hội nông dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc đổi mới, phát huy, vai trò, vị trí của nông dân và các cấp hội để cùng chung tay, góp sức thực hiện mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Theo Báo TN&MT


Ý kiến bạn đọc