Bão số 3 với cường độ cấp 14 - 15, giật cấp 17, hiện đang tiến gần khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Dự báo khoảng đêm ngày 6 sáng ngày 7/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Hải Nam, di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh). Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác dự báo bão, tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp về công tác dự báo diễn biến bão số 3 và các tác động của bão. |
Diễn biến Bão số 3
Bão số 3 (Yagi), hình thành trên vùng biển phía Đông Philippine và đi vào biển Đông từ sáng ngày 2/9. Sáng nay, bão số 3 hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam 750km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Bão đã tăng 4 cấp độ, so với khi mới vào biển Đông.
Dự báo khoảng đêm ngày 6 sáng ngày 7/9, bão sẽ vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh).
Khoảng từ đêm 6/9 đến sáng 8/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 10 - 13, sóng biển cao 4 - 6m, vùng gần tâm bão 6-8m; nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.
Từ 7 - 9/9, gió to, sóng lớn trên biển dọc theo vĩ độ 19 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua, có cường độ gió cấp 14 - 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8 - 10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn. Các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh.
“Đây là một cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Bắc Bộ; mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương cơn bão số 3 năm 2014 và cơn bão số 1 năm 2016” , theo nhận định từ Trung tâm Khí tượng thủy văn.
Công tác ứng phó với Bão số 3
Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, ký ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo phân công.
Hiện nay, hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia tập trung cao độ để theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão như: gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa lớn, dông lốc trước bão, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá…sau bão; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động, không để bị động, bất ngờ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, giảm thiểu và khắc phục hậu quả của thiên tai đến các cấp và nhân dân để chủ động ứng phó.
Được biết, mực nước các hồ chứa ở khu vực phía Bắc đang ở mức cao, do đó công tác dự báo mưa lớn cần được đặc biệt quan tâm; đảm bảo dự báo sát, tránh tình trạng các hồ phải xả quá nhiều để hạ thấp mực nước dẫn đến thiếu nước trong các tháng mùa khô. Vùng trọng tâm mưa sẽ ở khu vực Bắc Bộ nên cần đề phòng các nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá. Đặc biệt, đây là cơn bão rất mạnh nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông mạnh, vòi rồng, lốc sét có thể xuất hiện trước khi bão tiến vào gần bờ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khuyến nghị, các đơn vị tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc phát huy công tác chuyên môn; tham khảo các nguồn thông tin của quốc tế, kết hợp các dữ liệu lịch sử, để từ đó có những thông tin cảnh báo sớm, kịp thời về trước, trong và sau bão, cũng như cảnh báo về giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất…
Với tinh thần không thể chủ quan dù bão còn cách xa đất liền, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các cán bộ ngành Khí tượng thuỷ văn nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa ra những dự báo, cảnh cáo kịp thời để công tác ứng phó với bão số 3 được tốt nhất.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc