Tin nổi bật

Nước lên đến đâu có phương án phân lũ đến đấy

22:30, 12/09/2024

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác tại tỉnh Ninh Bình chiều 12/9, khi kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long. Đây là khu vực thoát lũ có nguy cơ ảnh hướng đến 60.000 người dân thuộc 12 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra trạm bơm Gia Viễn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra trạm bơm Gia Viễn

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình, theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thuỷ văn, lưu lượng xả nước của các hồ thuỷ điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Hiện nay, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đang xuống chậm. Tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịnh bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đổi với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Dự kiến, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống, tỉnh Ninh Bình khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong trường hợp, mực nước sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức +5,3 m tại Bến Đế, tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị các phương án phân lũ chi tiết, "nước đến đâu có phương án đến đấy", trong đó kịch bản nghiêm trọng nhất sẽ có khoảng 60.000 người dân, tại 12 xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ảnh hưởng. Ninh Bình sẽ căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng chống chịu của các tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long để có quyết định, giải pháp phù hợp, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại.

Được biết, bão số 3 vừa qua đx gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cây xanh và cơ sở hạ tầng bị hư hại khoảng 50 tỷ đồng; 2.604 nhà ngoài đê bị ngập sâu khoảng 1-2 m.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc