Tin nổi bật

Công điện khẩn ứng phó với mưa lũ tại Hà Nội

08:06, 10/09/2024

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Công điện số 13 hỏa tốc (ngày 9/9/2024), chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông,

 
Diễn biến mực nước sông

Hiện mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động III; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 08 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt). Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang mở 02 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang rất lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn.

Các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức nước cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động III; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động II; sông Đáy: trên báo động I và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động I là 1,69m), dự báo sẽ lên báo động I vào đêm 10/9

Nguyên tắc ứng phó chung

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, giám đốc/thủ trưởng các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê; phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

Tổ chức thông báo, khuyến cáo đến người dân ở tại các khu vực sinh sống có nguy cơ ngập cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ, để chủ động bảo vệ con người và tài sản.

Chính quyền địa phương tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h để theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP khi có sự cố, tình huống bất thường.

Đội chuyên trách của thành phố duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Duy trì lực lượng ứng phó nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Yêu cầu đối với từng đơn vị

Với chủ tịch các quận, huyện, thị xã, ông Thanh yêu cầu thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông. Kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh, không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán. Chính quyền địa bàn phải chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.

Kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán; đảm bảo không bỏ sót người dân. Chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán.

Đối với các chủ đầu tư các công trình, đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu, thủy sản và tài sản ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Đối với đơn vị quản lý đường thủy, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô, giám đốc Công an TP có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của TP để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông thủy và cầu qua sông.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc