Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 cho báo cáo viên trung ương toàn quốc. Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, phòng tham mưu lĩnh vực công tác tuyên truyền miệng thuộc Ban Tuyên giáo 57 tỉnh ủy, thành ủy; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; báo cáo viên Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Luật Đất đai đã thể chế hóa cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW, thể hiện qua các quy định về đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Trình bày chuyên đề: “Những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi)”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã chia sẻ cụ thể về những điểm mới trong 16 Chương. Theo đó, Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định về người sử dụng đất được sửa đổi, bổ sung để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư; không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai.
Luật cũng kế thừa phân loại đất theo Luật Đất đai 2013, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, đất công trình phòng, chống thiên tai, đất công nghệ thông tin, cơ sở lưu trữ tro cốt, đất chợ đầu mối trong nhóm đất phi nông nghiệp. Luật kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Bổ sung nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai...
Đặc biệt, Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 điều, từ Điều 112 đến Điều 115) là chương mới hoàn toàn so với Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định, việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chương này đã quy định cụ thể nguồn hình thành quỹ đất. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất quỹ đất này. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn đất, chiếm đất.
Nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Đất đai đã dành 1 mục của Chương 16 để sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, gồm các Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đồng thời, Luật cũng bãi bỏ 1 nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến Luật Đất đai (Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế). Bổ sung 8 điều để quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; để xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình và để quy định chuyển tiếp một số trường hợp khác khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Riêng 2 Điều là Điều 190 về hoạt động lấn biển và Điều 248 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp đã có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng, cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.
Có thể thấy, Luật Đất đai 2024 đã giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013. Sau khi Quốc hội thông qua, hiện nay, Chính phủ đang tập trung để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm sau khi Luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống pháp luật đất đai đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành các chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, cùng với quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của các năm tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương cần chỉ đạo cơ quan tham mưu của tỉnh/thành phố bắt tay thực hiện ngay việc xây dựng các chính sách này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật và các văn bản dưới luật ngay khi có hiệu lực. Một hệ thống pháp luật đất đai hoàn thiện sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở thông tin và đề cương tài liệu của Bộ TN&MT tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đầy đủ và đúng về Luật Đất đai sửa đổi. Những vấn đề cần tập trung làm rõ như: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất; Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, huỷ hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luất Đất đai trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Ban tuyên giáo các tỉnh/thành phố phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, TP để tổ chức tốt các hội nghị tuyên truyển triển khai sâu rộng Luật Đất đai 2024 ngay sau Hội nghị. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền các kết quả những tháng đầu năm 2024, thực hiện các giải pháp, chỉ thị, nghị quyết của chính phủ về nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Ý kiến bạn đọc