Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định, theo tinh thần của Luật Đất đai 2024, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ TN&MT là tham mưu Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, còn tất cả các nội dung quản lý nhà nước khác, Luật đã giao, phân cấp về các địa phương.
Bộ sẽ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra, hướng dẫn. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để Dự thảo đảm bảo chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành.
Đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính
Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 do Bộ TN&MT tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang nhằm lấy ý kiến 15 tỉnh, thành phố mới đây, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, có hiệu lực từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị |
Luật có nhiều nội dụng mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đặc biệt là phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai...
Theo Thứ trưởng, trong 260 điều của Luật, có 91 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo phân công của Chính phủ, Bộ TN&MT được giao xây dựng 5 Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành gồm: Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai; Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Dự thảo Nghị định về giá đất; Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã xây dựng 4 Dự thảo Nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ TN&MT và đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương vào ngày 7/2. "Bộ TN&MT mong muốn sẽ nhận được những ý kiến góp ý chi tiết của các địa phương để tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật này trong thời gian nhanh nhất và đảm bảo chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, theo tinh thần của Luật Đất đai 2024, Dự thảo Nghị định phần lớn giao nhiệm vụ về địa phương và chỉ quy định cụ thể để địa phương thống nhất thực hiện. Với tinh thần đó, Bộ đã chỉ đạo các tổ biên tập Nghị định tiếp tục phân cấp tối đa cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu trung gian và không làm phiền hà tới người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương góp ý để trong các Dự thảo Nghị định sẽ phân cấp triệt để, tỉnh phân cấp cho huyện, huyện phân cấp cho xã, song phải có cơ chế kiểm soát, có ràng buộc pháp lý và trách nhiệm. Không để cán bộ đặt ra những "giấy phép con" làm khổ người dân, doanh nghiệp.
Sớm ban hành các Nghị định để tháo gỡ vướng mắc
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, thực hiện Luật Đất đai 2013, những năm qua, công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật cũng bộc lộ hạn chế, tồn tại, thiếu đồng bộ, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, chưa phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt có nhiều văn bản còn chồng chéo, còn chưa thống nhất.
Chính vì thế, để phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2024. "Tỉnh mong muốn sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để hướng dẫn thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý có liên quan tới đất đai và Luật Đất đai 2024 để đảm bảo trong quá trình triển khai thi hành luật có hiệu quả, thống nhất" - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Góp ý vào Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), bà Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng phòng Đất đai và Đo đạc bản đồ, Sở TN&MT Sơn La cho rằng, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn một số vướng mắc về đất đai tại dự án khai thác niken trên địa bàn 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên. Trước đây, quặng sau khai thác được vận chuyển đi Úc để chế biến sâu. Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp phải chế biến sâu và hình thành nhà máy chế biến sâu tại địa phương. Tuy nhiên, tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trường hợp này phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng để xây dựng nhà máy theo Điều 73, mà trong trường hợp này doanh nghiệp là nước ngoài thì không được nhận chuyển nhượng.
Tại Điều 28 và Điều 79 Luật Đất đai 2024 có quy định các dự án khai thác khoáng sản sẽ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, tại khoản 25, Điều 79 quy định "hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất", bà Huyền đề nghị làm rõ nội dung quy định "chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác" trong Dự thảo Nghị định bởi gắn về không gian, hay trong giấy phép chấp thuận chủ trương đầu tư bởi khu vực khai thác dự án này ở huyện Bắc Yên nhưng khu vực nhà máy thì tại huyện Phù Yên.
Cũng theo bà Huyền, về đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường, trên địa bàn tỉnh, sau khi rà soát có 35 nghìn ha, trong đó có 17 nghìn ha giữ lại và 18 nghìn ha trả về địa phương. Trong quá trình thực hiện các Văn bản quy phạm pháp luật đất đai qua các thời kỳ đến Nghị định 118 còn tồn tại vấn đề trong các phần diện tích trả về đều không phê duyệt phương án sử dụng đất để trả về địa phương.
Theo nghiên cứu tại Điều 181, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản giải quyết được trường hợp những doanh nghiệp chưa bàn giao quỹ đất nông lâm trường cho địa phương. Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được những trường hợp chưa có phương án sử dụng đất, bà Huyền đề xuất bổ sung thêm quy định cụ thể bao gồm cả hồ sơ, biểu mẫu để áp dụng thống nhất cho các địa phương có đất nông lâm trường...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý của các địa phương để hoàn thiện các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, tạo nguồn thông tin hữu ích để cơ quan chủ trì soạn thảo từng bước hoàn thiện và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc