Chiều 6/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ TN&MT và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước |
Tham dự tại Hội trường Bộ TN&MT có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện các Bộ ngành Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ.
Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố; các Sở ban ngành và UBND cấp huyện.
Luật Đất đai năm 2024 mang tính tích lũy, bền bỉ, kiên trì, công phu, trách nhiệm, trí tuệ
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương với 260 điều. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp, điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Các đại biểu địa phương tham dự trực tiếp |
Các đại biểu Trung ương tham dự trực tiếp |
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện ý chí thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu, rộng đã thu hút trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của Nhân dân.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan, ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tập thể, cá nhân đã đồng hành cùng Bộ trong việc xây dựng Luật Đất đai 2024 trong suốt thời gian qua. |
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan, ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tập thể, cá nhân đã đồng hành cùng Bộ trong suốt thời gian qua. Đây là thành công mang tính tích lũy, bền bỉ, kiên trì, công phu, trách nhiệm, trí tuệ, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với tinh thần đó, ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trong đó giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân.
Luật Đất đai 2024 góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách
Giới thiệu các điểm mới của Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi, Luật là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân giới thiệu các điểm mới của Luật Đất đai 2024 |
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết có liên quan đến đất đai, đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi chính sách này là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.
Toàn cảnh Hội nghị chiều 6/3 |
Quan điểm xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
Luật tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững là một quan điểm quan trọng trong xây dựng Luật. Để phù hợp với thực tế, Luật chủ trương hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trao Bằng khen các cá nhân công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài ngành TN&MT có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án Luật Đất đai |
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai 2024 Luật Đất đai có những điểm mới bám sát Nghị quyết 18 của Trung ương và được cụ thể hóa như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung; quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận, giá đất…
Trong đó, về tài chính giá đất, Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật đã có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm. Cụ thể: Tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trao Bằng khen cho 2 tập thể và các cá nhân công tác trong Bộ TN&MT có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án Luật Đất đai |
Về phương pháp định giá đất, Luật quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất.
Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ cho địa phương
Tại hội nghị, đại diện UBND nhiều tỉnh, thành phố đánh giá Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.
Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013. “Tôi tin tưởng rằng Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương”, ông Sơn nói.
Ông Sơn đề nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để địa phương thực hiện đảm bảo sự thống nhất. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN&MT điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đai để phục vụ phát triển KT- XH; bố trí kinh phí thực hiện đo đạc địa chính…
Ông Đinh Ngọc Minh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm |
Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường |
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đánh giá, Luật Đất đai đã bám sát thể chế Nghị quyết 18, báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 và đồng bộ với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở làm cơ sở để địa phương thực hiện. Với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của thành phố tăng khoảng 13%.
Ông Cường cũng cho biết, thành phố đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Luật và các ý kiến góp ý đã được Bộ TN&MT tiếp thu tối đa. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung góp ý vào các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và mong muốn sớm ban hành các Nghị định. TP.HCM sẽ sớm ban hành các Văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Đất đai 2024. Ông Cường kiến nghị Bộ TN&MT sớm tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật.
Theo ông Đinh Ngọc Minh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Đất đai 2024 có 3 điểm mới mà người dân mong chờ là đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác; quy định rõ sử dụng đất đa mục đích và quản lý đất nông lâm trường quốc doanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các địa phương và khi được ban hành, Luật có nhiều đổi mới nhất là về phân cấp thẩm quyền, cải cách hành chính. Phó Chủ tịch mong muốn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các nội dung Luật, đặc biệt về tài chính đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành để Luật đi vào cuộc sống.
Các cấp, ngành sớm triển khai để Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai vừa qua có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện quyết tâm, thống nhất về quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đây cũng là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Quyết định 222/QĐ-TTg, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư. Hiện nay Bộ đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ các nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, Luật Đất đai là thành công mang tính tích lũy, bền bỉ, kiên trì, công phu, trách nhiệm, trí tuệ, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế.
Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng đề nghị các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể, các Hội đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới của Luật Đất đai 2024 để Luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, cho biết, Bộ đang giao Thứ trưởng Lê Minh Ngân và 3 đơn vị lĩnh vực đất đai phối hợp với địa phương hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền. Bộ TN&MT cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tham gia tuyên truyền sâu rộng những nội dung của Luật để Luật đi vào cuộc sống để cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp thực hiện khi Luật có hiệu lực.
***Cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trao Bằng khen cho 2 tập thể và 58 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc