Tin nổi bật

Quốc hội đánh giá cao việc huy động trí tuệ, đóng góp của mọi tầng lớp Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

20:35, 21/06/2023

Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi ông kết luận nội dung thảo luận tại Hội trường chiều 21/6 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường liên tục cập nhật, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, ngày 21/6, Quốc hội khoá XV đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Tại buổi thảo luận các Đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án luật và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tại Tổ của cơ quan soạn thảo và tham gia góp ý vào các quy định nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật trên tinh thần bám sát các chủ trương của Đảng, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (ĐBQH tỉnh Kon Tum) phản ánh tình trạng quy hoạch được lập, phê duyệt nhưng thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. Đại biểu cho rằng, các quy hoạch "treo" không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Từ đó, đại biểu đoàn Kon Tum kiến nghị cần bỏ "tầm nhìn" trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo dự thảo là 10 năm đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. "Tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác hoặc không. Như thế cũng có thể là một tác nhân của quy hoạch "treo". Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định cụ thể quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu, hoặc quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch", Đại biểu phân tích.

Đại biểu Tô Văn Tám (ĐBQH tỉnh Kon Tum) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định tại điều về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nội dung: nếu hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không thực hiện quy hoạch, dự án thì hủy bỏ quy hoạch.

Liên quan tới nội dung này, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, theo quy định Khoản 3, 4 Điều 76, trường hợp đất đã được quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất; trường hợp đất quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định như không được xây dựng mới nhà ở, công trình, cây trồng lâu năm, nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, thực tế hiện nay nhiều dự án quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. "Quy định trong dự thảo Luật cho rằng nếu đã quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất. Nhưng thực tế, nếu nhà đất vướng quy hoạch trong trường hợp được phép chuyển nhượng thì cũng bị hạn chế về giá, khó giao dịch, không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, người dân bức xúc"- đại biểu nói.

Mặt khác, dự thảo luật cũng có quy định sau 3 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ.

Đại biểu đề nghị làm rõ hơn về quyền của người sử dụng đất trong trường hợp đất đã được quy hoạch, đã có kế hoạch sử dụng đất và làm rõ hơn trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT - XH, vì lợi ích quốc gia công cộng

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này có thay đổi khi mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, quy định tại điềm e, g khoản 3 Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dẫn chiếu sang Luật Đấu thầu là chưa rõ ràng. Theo Đại biểu, Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí xác định trường hợp thu hồi đất. Hơn nữa, việc Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả dự án nhà ở thương mại, trường hợp này rất khó để xác định có nằm trong trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng hay không.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.

Quang cảnh phiên họp

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đề nghị tại Điều 3 cần bổ sung giải thích về thuật ngữ “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Theo đại biểu, pháp luật hiện hành chưa có quy định, giải thích tường minh khái niệm này; chưa xây dựng hệ tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Điều này vừa gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất; vừa tạo kẽ hở để thu hồi đất không đúng quy định, thu hồi đất, kém hiệu quả gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nói.

Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng 3 tiêu chí cụ thể sau: Phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc của một vùng; Do ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức công – tư; Mục đích thực hiện dự án nhằm mục đích công cộng.

Quy định chặt chẽ về tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, lúa gạo là ngũ cốc cơ bản, là cây lương thực chính, cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đất trồng lúa là đất có cấu tạo, giá trị dinh dưỡng cao, phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành. Mục tiêu đến năm 2030, nước ta vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, đại biểu cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã. Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu.

Trước mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.

Đại biểu cũng đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước. Đại biểu đề nghị bổ sung một số tiêu chí như: không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, có báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của dự án, gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng.

Quy định thông tin qua điều tra, khảo sát thực tế để đảm bảo giá đất sát với thị trường

Về phương pháp xác định giá đất, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, mặc dù cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, tiếp thu theo hướng xác định giá theo nguyên tắc thị trường, với phương pháp xác định đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch và cũng phải đảm bảo tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định giá đất với các cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.

Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị làm rõ hơn các nội dung về thông tin đầu vào để xác định giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng và trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát. Bởi, trong thực tế, có rất ít trường hợp giá đất chuyển nhượng được ghi đúng thực tế dẫn tới khi điều tra, khảo sát lại có mức giá đất cao hơn hợp đồng chuyển nhượng.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ sở pháp lý để đảm bảo trường hợp giá đất qua điều tra, khảo sát cao hơn hoặc thấp hơn giá trên hợp đồng chuyển nhượng.

Liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật quy định 4 phương pháp xác định giá đất, tuy nhiên, càng quy định nhiều phương pháp định giá đất, thì lại càng khó áp dụng. Bởi nếu áp dụng 4 phương pháp này để xác định giá cho cùng một thửa đất sẽ ra 4 giá khác nhau. Do đó, Đại biểu đề xuất có thể xây dựng một phương pháp tính giá đất thật đơn giản khi tính giá trị quyền sử dụng đất, tránh trường hợp phải phân tích và lựa chọn nhiều phương pháp.

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể Nhân dân cả nước thời gian qua đã rất quan tâm tham gia góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và cho ý kiến kết luận; các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trách nhiệm, sát đúng với tình hình thực tiễn cũng như định hướng lâu dài trong việc sửa đổi Luật Đất đai.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, cơ quan soạn thảo đã cố gắng phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Quá trình lấy ý kiến của Nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý giải trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá là có bước tiến rất quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 16 chương, 263 Điều.

Để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các dự thảo Luật khác, xác định nguyên tắc đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi. Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu … sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai.

Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, tất cả các ý kiến của các Đại biểu tại phiên thảo luận hôm nay và tại Tổ, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng tổng hợp tiếp thu tối đa, hiệu quả nhất.

Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu quy định về tài chính đất đai, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động về chi phí đất đai – chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế để đảm bảo phù hợp từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. “Đảm bảo đất đai là nguồn lực cho sự phát triển KT-XH của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về bảng giá đất, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay Dự thảo đang quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm, sau khi Luật có hiệu lực, chúng ta sẽ xây dựng lần đầu tiên và dung các phương pháp “sát, đúng” do địa phương thực hiện trình Hội đồng Nhân dân thông qua, hàng năm sẽ cập nhật các biến động vào bảng giá này.

Về phương pháp định giá đất, định giá đất cụ thể, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp định giá đất để áp dụng với các trường hợp trên thực tiễn. Về giá đất cụ thể, tùy trường hợp, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định sử dụng phương pháp nào để đảm bảo sát thị trường, công bằng, chống tiêu cực …

Điểm lại một số nội dung khác mà các đại biểu đã nêu như đấu giá, đấu thầu, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hộ trợ, tái định cư… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu, tổng hợp đầy đủ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận sôi nổi, tâm huyết trách nhiệm đã có 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, còn 106 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các vị đại biểu gửi văn bản ý kiến qua Ban Thư ký kỳ họp để tổng hợp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình làm rõ một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Qua thảo luận, Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Chính Phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Quốc hội ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà khoa học đã quan tâm trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự án Luật Đất đai; đồng thời mong muốn Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng, khả thi của luật khi có hiệu lực thi hành.

Các ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết trách nhiệm để hoàn thiện dự án luật như: tiếp tục rà soát thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra theo Nghị quyết số 18.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, khóa XV.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc