Tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18/NQ-TW: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực”, Dự thảo Luật Đất đai đã có nhiều quy định nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể như sau:
Luật Đất đai (Sửa đổi): Tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Quang) |
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia: pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch) quy định Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia (Điều 72) để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội quyết định.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh: dự thảo Luật quy định đối với các thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (khoản 5 Điều 65). Đồng thời, quy định đối với địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch và phải lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2026 - 2030) (khoản 2 Điều 241). Quy định này nhằm tránh chồng chéo trong công tác quy hoạch đất đai với quy hoạch đô thị, hạn chế lãng phí, tốn kém trong công tác quy hoạch mà vẫn bảo đảm thực hiện được các yêu cầu của quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật bỏ nội dung về kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do đã được lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (khoản 4 Điều 65) và được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (khoản 3 Điều 72). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất; dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất mà có diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy hoạch đối với các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và hiện các dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì (khoản 5 Điều 72).
Ngoài ra, dự thảo Luật bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh vì đã được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (Điều 68).
Về thẩm quyền thu hồi đất
Dự thảo Luật tiếp tục quy định phân cấp về thẩm quyền thu hồi đất cho địa phương, đẩy mạnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất đối với với tổ chức, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82); thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp còn lại không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất.
Việc quy định như dự thảo nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai trong việc xử lý; đồng thời vẫn đảm bảo chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù không đạt được sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo quy định của Luật Đất đai năn 2013: đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thực hiện quy định nêu trên, các địa phương có dự án phải xây dựng Khung chính sách trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quy định này dẫn đến các dự án nêu trên phải thực hiện thủ tục để được phê duyệt Khung chính sách trong nhiều trường hợp không cần thiết làm chậm công tác bồi thường, hõ trợ, tái định cư, chậm tiến độ thực hiện dự án.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật quy định: đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng mà cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 1 Điều 91)
Chuyển mục đích sử dụng đất
Dự thảo Luật bỏ quy định trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác đối với các dự án này (khoản 1 Điều 122). Quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính trong việc chuyển mục đích sử dụng trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác, đẩy manh phân cấp cho địa phương, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công.
Về giá đất
Dự thảo Luật bỏ quy định về Chính phủ ban hành Khung giá đất, giao thẩm quyền cho các địa phương ban hành Bảng giá đất. Mở rộng các trường hợp áp dụng Bảng giá đất để đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đối với một số trường hợp phải xác định giá đất.
Phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất
Dự thảo Luật quy định để bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như: Bỏ quy định về đất khu kinh tế để người sử dụng đất trong khu kinh tế được Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định thống nhất của Luật Đất đai. Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc do các quy định về thẩm quyền của Ban Quản lý khu kinh tế trong quản lý, sử dụng đất khu kinh tế như xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất… Bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Cảng vụ hàng không, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất thuộc cảng hàng không, sân bay dân dụng, khu công nghệ cao nhằm bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhận, bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc