Tin mới

Quy cách và cách tính toán trách nhiệm tái chế: Những sửa đổi, bổ sung quan trọng

14:10, 22/01/2025

Tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, quy cách tái chế và việc tính toán trách nhiệm tái chế có nhiều thay đổi mang tính phù hợp và thuận lợi cho nhà sản xuất, nhập khẩu.

Lựa chọn quy cách tái chế phù hợp với từng sản phẩm

Theo Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn cho từng sản phẩm, bao bì. Như vậy, Nghị định mới đã bỏ yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì khi lựa chọn quy cách tái chế. Điều này tạo thuận lợi hơn cho nhà sản xuất, nhập khẩu khi lựa chọn các giải pháp tái chế để phù hợp hơn với điều kiện tái chế thực tế tại Việt Nam.

 
z5162413195732_46bc5d6ef84bd1dcf1e82b4671fbe8f0.jpg
Đơn vị được ủy quyền tái chế phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định.

Cũng theo Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc. Việc tái chế phế liệu nhập khẩu; bao bì là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp; sản phẩm lỗi bị thải loại trong quá trình sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc thì được bảo lưu phần khối lượng chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo.

Ngoài ra, theo quy định mới, việc tính trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đối với cả nhà sản xuất, nhập khẩu đều tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì được đưa ra thị trường chứ không tính trách nhiệm tái chế đối với toàn bộ khối lượng sản phẩm, bao bì nhập khẩu của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, những quy định này sẽ và tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho các nhà sản xuất, nhập khẩu khi thực hiện trách nhiệm tái chế.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Và, tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bổ sung thêm quy định về đối với bên được ủy quyền tổ chức tái chế

Nghị định đã bổ sung thêm quy định bên được ủy quyền tổ chức tái chế có trách nhiệm tổ chức thu gom và chịu trách nhiệm đối với khối lượng sản phẩm, bao bì làm nguyên liệu cho đơn vị tái chế tương ứng với khối lượng nhận ủy quyền. Với quy định này, việc nhận ủy quyền tổ chức tái chế đi vào thực chất, giảm thiểu rủi ro cho các nhà sản xuất khi ủy quyền tổ chức tái chế.

Ngoài ra, đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền thuê để thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì phải có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần trong đó có nội dung tái chế sản phẩm, bao bì đó theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, đơn vị tái chế phải đáp ứng các điều kiện như: Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật; Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền; Được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì ủy quyền tổ chức tái chế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đăng tải thông tin đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và thông tin bên được ủy quyền tái chế sản phẩm, bao bì đáp ứng đầy đủ các quy định trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia. Và nhà sản xuất, nhập khẩu không thuê đơn vị tái chế hoặc bên được ủy quyền khi không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới nữa mà Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã bổ sung đó là quy định về sản phẩm thải loại. Cụ thể, việc tái chế phế liệu nhập khẩu; bao bì là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp; sản phẩm lỗi bị thải loại trong quá trình sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.

“Quy định này để hướng tới thu gom, tái chế các sản phẩm, bao bì đã đưa ra thị trường và được thải bỏ sau khi sử dụng. Đơn vị sản xuất có phát sinh các sản phẩm lỗi, bao bì thải loại phải thực hiện quản lý chất thải đối với các chất thải này”, ông Phan Tuấn Hùng chia sẻ thêm.


Ý kiến bạn đọc