Tin mới

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

09:29, 02/10/2024

Chiều 01/10, tại TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phía Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu nghe và thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy báo cáo về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đây là nội dung của Chính phủ xin ý kiến chủ trương của Quốc hội. Theo Luật Quy hoạch thì Quy hoạch cấp Quốc gia sẽ được Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, do đó, muốn điều chỉnh Quy hoạch đó sẽ phải xin ý kiến chủ trương của Quốc hội. Khi Quốc hội cho chủ trương, khi đó Chính phủ sẽ tham gia đánh giá, lập nhiệm vụ, lập quy hoạch…, từ đó sẽ trình lại Quốc hội để xin ý kiến Quốc hội, đại biểu Quốc hội cho chủ trương phê duyệt.

Về sự cần thiết của tờ trình, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ dựa trên Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2024 phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; các địa phương đã thực hiện lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đáp ứng yêu cầu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Toàn cảnh phiên họp chiều 01/10

Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo 430/TB-VPCP đề nghị địa phương bám sát nhu cầu sử dụng đất theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng và các nội dung khác trong Quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với thời kỳ quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (có tính định hướng dài hạn).

Theo Tờ trình của Chính phủ, nhiều loại đất như Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất khu kinh tế, đất khu công nghệ cao, đất đô thị sẽ có điều chỉnh, có tăng, có giảm…

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai điều hành phiên họp.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2024).

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đến nay, công tác này đang được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm sao hoàn thiện nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới.

Đại biểu các Bộ, ngành, địa phương, Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp chiều 1/10

Trên cơ sở thực tiễn sử dụng đất tại địa phương, các đại biểu cũng cơ bản thống nhất về chủ trương Tờ trình của Chính phủ để nội dung Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của các cấp trên ở địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, đưa công tác quản lý đất đai ở địa phương đi vào nề nếp..., góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội; đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.

Góp ý chi tiết vào nội dung của Tờ trình, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bám sát vào các căn cứ pháp lý, đảm bảo sự thuyết phục, có thêm số liệu của các tỉnh thành để đại biểu Quốc hội xem xét, so sánh…

Về những nội dung góp ý xây dựng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất để trình các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thống nhất cao với những ý kiến của các đại biểu về sự tán thành của Tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết do sự phát triển kinh tế xã hội đang sự thay đổi để đáp ứng được với thực tiễn của Quốc gia lẫn Quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện tờ trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các ý kiến sẽ được cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc