Theo báo cáo tổng hợp của Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 4/10 vừa qua, liên quan đến trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, phương án giao Bộ TN&MT chủ trì lập quy hoạch khoáng sản là phương án nhận được sự thống nhất cao của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và 1 số Ủy ban của Quốc hội trong quá trình Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, kết quả lấy ý kiến phương án chủ trì lập trình quy hoạch khoáng sản cho thấy có 37/52 đoàn đại biểu Quốc hội thống nhất phương án 1 - phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập quy hoạch khoáng sản và 1 số các ủy ban cũng thống nhất với phương án này.
Hơn 70% Đoàn đại biểu quốc hội thống nhất giao Bộ TN&MT chủ trì lập quy hoạch khoáng sản |
Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 14), Chính phủ trình Quốc hội phương án 1 như trên. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo 2 phương án và phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án để gửi lấy ý kiến, cụ thể, phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội); phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Tại Thông báo số 422/TB-VPCP ngày 17/9/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có chỉ đạo: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch khoáng sản nhằm hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm nguyên tắc mỗi công việc thuộc trách nhiệm quản lý của một cơ quan; tách bạch cơ quan quản lý với cơ quan thực hiện quy hoạch; bổ sung quy hoạch chuyển tiếp để thống nhất với các luật có liên quan. Quy định trong dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm quản lý khoáng sản để Chính phủ phân công quản lý quy hoạch khoáng sản theo lộ trình cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1 vì Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có nêu: “Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện”. Do đó, việc quy định phương án 1 nhằm thể chế hóa Nghị quyết này. Ngoài ra, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trách nhiệm và tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu điều tra, quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, về kết quả cho ý kiến lựa chọn phương án, Hội đồng dân tộc đồng ý phương án 1; các Ủy ban của Quốc hội: có 2 ý kiến đồng ý theo phương án 1 (Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục); 2 ý kiến đồng ý theo phương án 2 (Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội); 1 Ủy ban không có ý kiến (Ủy ban Đối ngoại); riêng Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục hoàn thiện nội dung thuyết minh đối với 2 phương án nêu trên để có cơ sở trình Quốc hội xem xét quyết định.
Đáng chú ý, trong số 52 Đoàn đại biểu quốc hội, có 37/52 Đoàn đồng ý theo phương án 1; chỉ có 9/52 Đoàn đồng ý theo phương án 2; có 3/52 Đoàn có ý kiến đồng ý theo 2 phương án và 3/52 Đoàn không có ý kiến về việc lựa chọn phương án.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc