Tin tức - Sự kiện

Logistics xanh xu hướng bắt buộc

18:00, 15/10/2024

Chiều 15/10/2024, tại thành ph H Chí Minh, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường- Bộ Tài nguyên và môi trường, phối hợp với Báo Giao thông, Hiệp hội Logistics Việt Nam VLA và các đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo “Vai trò của Vận tải xanh-Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net-zero 2050”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường); Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội cảng biển ASEAN- Phó Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam; Đại diện Cục BĐKH, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên và môi trường); Đại diện Bộ Tài chính; Trường Đại học Ngoại thương và gần 100 doanh nghiệp quan tâm tham dự cùng thảo luận.

Và đặc biệt, sự có mặt của đại diện 2 đơn vị đồng hành cùng Hội thảo: Bà Nguyễn Thị Minh Hà - Công ty TNHH DV Quốc Tế Rồng Vàng, ông Nguyễn Hữu Kế - Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH Một thành viên Thép Tấm Lá Phú Mỹ (VNSTEEl.) và Giám Đốc & CTHDQT Dự án xanh (Founder Green Nature)

Toàn cảnh Logistics xanh tại Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và môi trường  phát biểu tại Hội thảo

 Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông (Bộ  Tài nguyên và môi trường): "Logistics xanh là hoạt động Logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, bao gồm: hoạt động dịch vụ vận chuyền, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa..."

Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được Cơ quan hàng hải Mỹ cấp phép. Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.

Logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư một cách chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng. Đặc biệt, một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm được xây dựng, cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Hệ thống cảng biển cũng được cải thiện, chú trọng đầu tư, cải tiến liên tục; tiếp cận những dịch vụ vận tải tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường hơn.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Logistics xanh là hướng đi bắt buộc

Theo thống kê, ngành giao thông nội địa Việt Nam đang chiếm 50% lượng phát thải khí nhà kính. Do đó, hướng logistics xanh tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường là hướng đi bắt buộc.

TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Bộ Giao thông Vận tải đã có cam kết về lộ trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050. Cụ thể, năm 2030 Bộ sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

TS. Lương Quang Huy, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét: "Thuận lợi của giao thông, vận tải xanh là chính quyền các thành phố và doanh nghiệp đã đầu tư sẵn phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan để sử dụng cho giao thông thân thiện với môi trường. Mặc dầu vậy, việc thực hiện giao thông xanh rất cần vai trò đóng góp của người dân. Bởi, người dân là những người trực tiếp lựa chọn phương tiện tham gia giao thông".

Bên cạnh đó, thị trường giao thông xanh cần thu hút nhiều nhà cung cấp, để có tính cạnh tranh. Điều này sẽ giúp người dân có sự so sánh và lựa chọn thuyết phục để chủ động chuyển sang phương tiện giao thông xanh.

Logistics xanh cần chính sách và nguồn vốn

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển ASEAN phát biểu tại Hội thảo

Trong Hội thảo, ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển ASEAN cho rằng: Doanh nghiệp vận tải rất cần các yếu tố về thể chế, hạ tầng và con người để thực hiện chương trình vận tải xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, tài chính, công nghệ, năng lượng xanh và sạch... Cần xây dựng các tiêu chí cụ thể hơn, từ đó cấp các chứng nhận Xanh cho các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí. Đó cũng là mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới các tích cực hơn trong chuyển đổi xanh.

Trong phần thảo luận tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về chính sách nào, nguồn lực tài chính nào, cơ chế nào của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh?

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

 Với tư cách đại diện của một Quỹ đầu tư, Ông Nguyễn Tuấn Phát, Giám đốc quan hệ Chính phủ và dịch vụ công Quỹ Asia Quỹ Capital Vietnam đưa đến thông tin: "Hiện nay có các quỹ đầu tư từ Liên minh châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Canada, Australia...với các nguồn vốn hàng chục, thậm chí hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Điều quan trọng là các Hiệp hội cần chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này để giới thiệu cho doanh nghiệp. Không ai giúp mình bằng chính mình".

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 
 
 
 

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc