Tin mới

Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành quản lý đất đai (3/10/1945 - 3/10/2024): Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

14:21, 03/10/2024

79 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Quản lý đất đai đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ. Ngành đã có nhiều dấu ấn, đóng góp cho công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước, nhất là trong việc tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật đất đai nhằm khơi thông các điểm nghẽn, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phát triển KT-XH của đất nước

Ngày 3/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41-SL đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của ngành Quản lý đất đai thuộc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Suốt 79 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua những thời kỳ lịch sử vẻ vang, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng hành cùng lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc, ngành Quản lý đất đai đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.

Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành trước mắt và lâu dài là thường xuyên theo dõi sát tình hình, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành chính sách đất đai ở địa phương để kịp thời tháo gỡ, hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ bảo vệ, phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng về đất đai, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân...

Đặc biệt, nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai đã dần hoàn thiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai từ Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, 2013, 2024 đến các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Gần đây nhất, Luật Đất đai 2024 và các Văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ 1/8/2024 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… đã tạo khung pháp lý phù hợp thực tiễn, phân cấp cho các địa phương thực hiện tốt các nội dung quản lý Nhà nước ở địa phương.

Nhờ các chính sách đất đai ngày càng được hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước, đến nay, trên tất cả các công tác quản lý Nhà nước về đất đai đều thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, ngành Quản lý đất đai cấp Trung ương đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, chống suy thoái tài nguyên đất; thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất đai được phân bổ hợp lý để sử dụng phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Công tác này cũng thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giải quyết việc làm và đời sống cho hàng triệu lao động; phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Việc công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã bảo đảm mọi thửa đất đều có chủ sử dụng, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất làm cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản yên tâm đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả. Đến nay, 78% tổng diện tích tự nhiên trên cả nước đã được đo đạc, lập bản đồ địa chính (các loại tỷ lệ bản đồ). Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,4% tổng diện tích các loại đất cần cấp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan Quản lý đất đai cấp Trung ương đã tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Cùng với đó, rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục hành chính nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.

Đến nay, 48/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc “xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất”; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc

Để tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn, thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ. Trước mắt, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật đất đai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai 2024 và các Văn bản hướng dẫn thi hành.

Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn lực về đất đai tiếp tục được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư. Theo Tổng cục thống kê, giai đoạn 2015 - 2021, nguồn thu từ đất đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng qua các năm; năm 2015 đạt hơn 85 nghìn tỷ đồng, đến năm 2021 đã đạt trên 228 nghìn tỷ đồng. Trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đáp ứng yêu cầu số hóa đất đai giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và hiện đại trong quản lý đất đai, đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay; chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử đảm bảo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, góp phần minh bạch, cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ, theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực các cấp, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước; có sự phân công, phân cấp rõ ràng nhằm hoạt động hiệu quả, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các dịch vụ công về đất đai…

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc