Tin mới

Bộ TN&MT ban hành quy định điều tra, đánh giá thiệt hại và bồi thường sự cố tràn dầu

14:21, 02/10/2024

Ngày 30/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, xác định và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra tại vùng biển Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/ 2024.

Các nội dung chính của Thông tư bao gồm những quy định rõ ràng về đối tượng áp dụng, quy trình điều tra và xác định thiệt hại, lập hồ sơ bồi thường, và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan. Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển dầu; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra và đánh giá thiệt hại.

Thông tư 17/2023/TT-BTNMT gồm 14 Điều, quy định quy trình cụ thể để điều tra và xác định thiệt hại môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra tại vùng biển Việt Nam. Từ việc lập kế hoạch điều tra, thu thập thông tin đến phân tích và xác định thiệt hại môi trường, các tiêu chí cụ thể được nêu rõ nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá mức độ thiệt hại và mức bồi thường cần thiết. Đồng thời, cơ chế lập hồ sơ bồi thường cũng được quy định chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân. Hồ sơ bồi thường sẽ bao gồm mọi bằng chứng và tài liệu xác thực liên quan đến thiệt hại, giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định bồi thường một cách hợp lý và nhanh chóng.

Thừa Thiên - Huế tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu

Theo Thông tư, các bước điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gồm: Lập kế hoạch điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển; Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm; Đánh giá thiệt hại về môi trường; Thẩm định kết quả điều tra, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố.

Phương pháp xác định phạm vi, diện tích và thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu bao gồm nhiều bước cụ thể đã được quy định rõ. Đầu tiên, cần thực hiện khảo sát thực địa và đo đạc để xác định chính xác phạm vi, diện tích và thể tích của khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ viễn thám và ảnh hàng không cũng rất quan trọng, trong đó quy trình bao gồm xác định phạm vi đánh giá, thu thập dữ liệu từ các vệ tinh như Sentinel và Landsat, xác định các tham số liên quan như chế độ chụp và độ phân giải, đồng thời thực hiện các bước lọc dữ liệu và phân đoạn ảnh.

Tiếp theo, trên cơ sở thông tin tổng hợp và kết quả đo đạc, sẽ tiến hành đánh giá tổng thể để xác định mức độ ô nhiễm. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình tính toán thủy động lực học và môi trường là cần thiết với các bước như thiết lập mô hình, kết nối các mô hình với quy trình lan truyền và biến đổi dầu trong môi trường biển cũng như hiệu chỉnh và đánh giá mức độ chính xác của các kết quả.

Kết quả xác định diện tích, thể tích khu vực ô nhiễm sẽ phải được cơ quan có chức năng thẩm tra và được lập thành báo cáo theo mẫu ban hành tại phụ lục kèm theo Thông tư liên quan. Tương tự, đối với khu vực môi trường trầm tích và đất ven biển bị ô nhiễm cũng sẽ thực hiện khảo sát thực địa, đánh giá và lập báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập được. Những quy trình này không chỉ giúp xác định được tình hình ô nhiễm chính xác mà còn hỗ trợ trong việc xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Tàu Giang Anh 18 bị sự cố trên vùng biển Cù Lao Chàm tháng 3/2024

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/ 2024. Tạo ra một khung pháp lý đồng bộ và khả thi cho công tác điều tra và bồi thường thiệt hại môi trường, giúp các cơ quan chức năng có phương pháp và quy trình làm việc thống nhất, từ đó giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả, và bồi thường hợp lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng.

Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giám sát và kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu, giúp đảm bảo việc thực thi các quy định, góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác bồi thường.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cũng như các tổ chức và cá nhân liên quan đều có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu gặp phải khó khăn hay vướng mắc, các bộ ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân cần kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được nghiên cứu, sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc