Tin mới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần dự báo chính xác về khu vực và mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sau bão số 3

11:43, 07/09/2024

Sáng 7/9, tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống bão số 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống bão số 3.

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT...

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Báo cáo về diễn biến bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến sáng nay 7/9, vị trí tâm bão số 3 cách Quảng Ninh- Hải Phòng.

Dự báo từ nay đến chiều tối, gió sẽ mạnh dần lên ở ven biển và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Thời điểm gió bão mạnh nhất từ 11 – 17h hôm nay và cường độ cấp 10 – 12, giật cấp 15. Tại Nam Định, Ninh Bình sẽ có gió cấp 8 – 10, giật cấp 14; Thanh Hóa cấp 7 – 8, giật cấp 10.

Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên có gió mạnh từ khoảng 11 – 19h. Thời điểm gió bão mạnh nhất từ 14 - 19h, cường độ cấp 7 – 8, giật cấp 11.

Riêng Thủ đô Hà Nội có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia chia sẻ về diễn biến bão số 3

Về mưa, từ hôm nay đến sáng mai 8/9, khu vực các tỉnh Quảng Nình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150mm.

Từ chiều nay đến sáng ngày 9/9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Về sóng, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0- 5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6 - 8m. Từ sáng nay, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3 - 5m.

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực và địa phương trong vùng ảnh hưởng bão tham gia họp trực tuyến

Dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Lũ trên sông Lô, sông Thao có khả năng lên BĐ 1 – BĐ 2; sông Cầu, Thương, Lục Nam trên mức BĐ1 - BĐ2; sông Hoàng Long lên mức BĐ2. Lũ trên các sông nhỏ, các sông thượng nguồn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý nguy cơ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Theo đại diện Đài Khí tượng thủy văn Khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ - khu vực dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng chính từ bão số 3, tập thể cán bộ của đài đang làm việc với tình thần cao nhất, túc trực để cung cấp số liệu quan trắc liên tục 1 tiếng/lần. Mạng lưới trạm đang hoạt động ổn định và Đài sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn để theo dõi sát diễn biến bão số 3.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) phát biểu tại cuộc họp

Về tình hình các hồ chứa, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Trong khu vực ảnh hưởng của bão có 4 hồ chứa lớn là Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà đang vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Ngoài hồ Hòa Bình đang có mực nước thấp, 3 hồ còn lại đang xả nước để điều tiết lũ. Vấn đề hiện nay là cần đảm bảo an toàn đối với các hồ thủy điện, hồ thủy lợi vừa và nhỏ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, hiện nay các hồ thủy lợi nhỏ đều đạt 90% dung tích chứa. Thời điểm này, các hồ đã tích nước để phục vụ cho sản xuất. Ngoài các hồ tự tràn thì nguy cơ nằm ở các hồ có cửa van. Các địa phương cần kiểm tra lại những hồ này nhằm tránh sự cố có thể xảy ra. Đặc biệt, tránh tính trạng lũ chồng lũ, tức là lũ trên các sông dâng cao mà hồ đồng thời xả lũ. Đối với các hồ thủy điện cần thực hiện nghiêm túc công tác vận hành hồ chứa theo đúng quy trình.

Đối với hệ thống đê điều, đê biển các tỉnh Bắc Bộ có thể chống chịu bão cấp 10 giật cấp 12. Dự báo gió mạnh giật cấp 14 nên nguy cơ cao có thể gây tràn đê. Hệ thống đe ven sông cũng có nguy cơ tràn nếu lũ các sông vượt quá báo động 3. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ cho tình huống này.

Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Về công tác chuẩn bị tìm kiếm cứu nạn, Trung tướng Doãn Thái Đức cho biết các lực lượng quân đội, quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, các phương tiện cần thiết phục vụ ứng phó tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Riêng Quảng Ninh, Hải Phòng đã có phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trường hợp siêu bão ảnh hưởng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá công tác dự báo bão những ngày qua rất chính xác, cả về diễn biến đường đi, phạm vi, cường độ, tính phức tạp...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thời gian bão tiếp cận đất liền không còn nhiều và ngay từ bây giờ, việc đánh giá diễn biến bão phải thật chính xác, xác định hướng đi tập trung ở khu vực nào và bán kính ảnh hưởng.

Sau khi bão đi qua và suy yếu, hoàn lưu bão vẫn có thể gây nguy hiểm kéo dài nhiều giờ sau đó. Công tác dự báo cũng cần dự báo chính xác về khu vực và mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sau bão. Các Đài KTTV khu vực và địa phương cũng cần cố gắng cảnh báo trước 1 tiếng đến 30 phút cho địa bàn trong phạm vi kiểm soát. Phó Thủ tướng động viên cán bộ dự báo cố gắng duy trì cường độ làm việc, đã căng rồi nhưng càng phải tăng dầy hơn số lần dự báo, duy trì liên lạc để thông tin kịp thời đặc biệt là khi bão đã tác động đến đất liền. Với những khu vực dự báo có sóng cao, đặc biệt là những nơi xung yếu phải chủ động phương án ứng phó, sẵn sàng cho tình huống tràn đê.

Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước, hải văn cung cấp thông tin 1 – 2 tiếng/lần; Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hôm nay kiểm tra công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ có hệ thống van để tránh trường hợp lũ chồng lũ.

Quang cảnh cuộc họp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng ghi nhận những nỗ lực của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực và đặc biệt là các Đài địa phương, nơi “tiền tuyến” cơn bão đi qua. Đồng thời, đề nghị các cơ quan trong Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Tổng cục KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV tiếp tục tập trung cao độ để vượt qua khó khăn trước mắt, triển khai công tác chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Để đảm bảo công tác công tác cảnh báo sớm bão số 3, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tận dụng mọi cơ sở dữ liệu và trang thiết bị công nghệ hiện có của Việt Nam. Trong đó, vận hành các mô hình phân giải cao-có đồng hóa số liệu sử dụng điều kiện biên của Trung tâm Dự báo hạn vừa Châu Âu và kết hợp với các số liệu quan trắc của Việt Nam, chạy trên Hệ thống siêu máy tính CrayXC40 với độ phân giải 3km (so với độ phân giải toàn cầu cao nhất là 9km từ Châu Âu).

Vận hành hệ thống dự báo bão tổ hợp 32 thành phần cập nhật 6 giờ/lần. Phân tích bão và dự báo cực ngắn cường độ bão: Dựa trên ảnh vệ tinh cực của Nhật Bản và phương pháp phân tích Dvorak, kết hợp các quan trắc gió vệ tinh cực (một ngày có thể có 6-8 đợt quét qua Biển Đông, độ phân giải cao nhất đạt 12.5km): 30 phút/lần. Kết hợp dữ liệu quan trắc bề mặt 6 giờ/lần; số liệu tự động cập nhật 1h/lần.

Đồng thời, Tổng cục đã thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan KTTV Việt Nam và các cơ quan KTTV trong khu vực như cơ quan khí tượng Trung Quốc, Trung tâm hỗ trợ dự bão khu vực Nhật Bản trong quá trình xác định tâm, hướng di chuyển và cường độ của bão.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc