Hội thảo“Phát huy hiệu quả, bền vững giá trị nguồn lợi từ rừng hướng tới mục tiêu Net - Zero”, vừa diễn ra tại Hà Nội (24.9) đã làm rõ vai trò của rừng, trong hấp thụ và giảm phát thải khí nhà kinh tại Việt Nam; lộ trình cho việc vận hành thị trường tín chỉ carbontại Việt Nam. Với tư cách là đơn vị đồng hành cùng Hội thảo, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), đã cam kết mạnh mẽ, hướng nguồn tài chính xanh tới các dự án rừng, nhằm đóng góp vào“Mục tiêu Net-zero vào năm 2050” (mức phát thải bằng không) của Thủ Tướng Chính phủ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tài nguyên tín chỉ carbon rừng Việt Nam
Thương mại carbon rừng được hiểu là việc hấp thụ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về. Việt Nam là một nước có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng gồm: diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14.860.309 ha và diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 3.797.371 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Chính vì vậy, Việt Nam được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng.
Thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam có 612 triệu tấn carbon lưu giữ trong rừng, trong đó 80% tới từ rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, lượng giảm phát thải của ngành Lâm nghiệp chủ yếu là từ hoạt động giảm phát thải từ suy thoái rừng tự nhiên, mất rừng tự nhiên và chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng.
Ước tính trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 – 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới và thu về hàng chục ngàn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
HDBank: Tài trợ cho dự án tạo tín chỉ carbon rừng nằm trong chiến lược tài chính xanh của Ngân hàng.
TS. Văn Công Bình, Giám đốc môi trường và xã hội, Ngân hàng HDBank |
Theo TS.Văn Công Bình, Giám đốc môi trường và xã hội, Ngân hàng HDBank cho biết: Thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam vẫn chưa ra đời. Dự kiến nằm 2025 chúng ta sẽ có thị trường tín chỉ carbon sơ cấp; năm 2028 thị trường tín chỉ carbon chính thức. Nhưng thời điểm này, HDBank vẫn hướng đến các dự án về tín chỉ carbon rừng, xem đây là một hướng đi mà cơ hội đằng sau thách thức. Và đây cũng là cách để HDBank đóng góp vào mục tiêu Net- zero của Việt Nam, năm 2050. Chúng tôi hiểu rằng, tài trợ cho những dự án rừng, có ý nghĩa hơn tất cả những dự án khác, vì rừng là bể hấp thụ carbon khác với các dự án giảm phát thải carbon.
Tuy vậy, Ông Bình cho biết: các dự án để được đầu tư cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, nói cách khác là được công nhận của cơ quan chức năng. Bản thân dự án phải có hiệu quả về mặt tài chính và chủ dự án cũng cần đưa ra quy trình rõ ràng trong việc tạo ra tín chỉ carbon. Hãy trả lời cho câu hỏi ai là cơ quan xác nhận hay cấp tín chỉ đó? Dự kiến về một thị trường giao dịch tín chỉ carbon của mình trong tương lai; cách tiếp cận thị trường và chứng minh tính hiệu quả trong giao dịch? Khi các dự án đáp ứng những tiêu chí đó cùng với khả năng hoạt động mạnh mẽ của doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ tài trợ.
Đại biểu tham gia Hội thảo |
Ông Bình cũng khẳng định: Trách nhiệm với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, HDBank là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong trong việc ban hành chính sách về tín dụng xanh, bảo vệ môi trường và xã hội; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, nhân viên về thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn và đồng hành cùng khách hàng.
Trong hoạt động, HDBank đã sớm cam kết triển khai các giải pháp giảm thiểu phát thải carbon từ nhiều năm trước, thông qua các hành động thiết thực, như tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính đến cán bộ nhân viên và trong tham gia truyền thông với cộng đồng. Đặc biệt, HDBank đi tiên phong trong việc triển khai qui trình đánh giá và quản lí rủi ro môi trường xã hội (gọi tắt là ESMS) cho toàn bộ khách hàng doanh nghiệp.
Được biết, HDBank đã tiên phong xanh hóa dòng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và xe điện cùng phương án sản xuất thân thiện với môi trường,... Từ năm 2018, HDBank đã bắt đầu triển khai tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam. HDBank cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất, hướng tới giá trị bền vững; giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay HDBank đã giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng vào các dự án tài trợ xanh.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc