Tin mới

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ họp về vướng mắc bảng giá đất của Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/9

16:11, 09/09/2024

Mới đây, thông tin đến phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, đã nhận được thư mời họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ họp gỡ vướng bảng giá đất ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/9.

Theo đó, cuộc họp sẽ được tổ chức vào sáng 10/9, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm lấy ý kiến, trao đổi các nội dung vướng mắc của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Thành phần họp theo thư mời có: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Văn phòng Chính phủ, Bộ đã có công văn gửi các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý kiến. Tuy nhiên, đến thời điểm gửi thư mời (ngày 6/9), Bộ chưa nhận đủ ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị.

Trước đó, ngày 30/8, sau khi nhận công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Bộ nêu nhiều vấn đề về việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, quy định bảng giá đất áp dụng cho 12 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính nên có tầm quan trọng đối với đời sống xã hội.

Tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Trường hợp điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 thì việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, được quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất sẽ không còn bị giới hạn bởi khung giá và không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất được ban hành hàng năm để điều chỉnh như Luật Đất đai năm 2013.

Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất chỉ đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đơn vị tư vấn phân tích các phương án điều chỉnh bảng giá đất để trình Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình 4 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên, không điều chỉnh bảng giá đất. Hạn chế của phương án này là giá đất bị giới hạn bởi khung giá nên giá tối đa tại đô thị loại đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 162 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất giao dịch, chuyển nhượng thực tế trên thị trường lại cao hơn nên khi xây dựng bảng giá phải cân chỉnh giảm lại. Điều này dẫn đến giá đất tại bảng giá rất thấp, chưa tiệm cận giá thị trường.

Nếu giữ nguyên bảng giá hiện hành sẽ có sự chênh lệch lớn với giá bồi thường thực tế đã được duyệt. Ví dụ như giá đất tại bảng giá hiện hành trên đường Nguyễn Duy Trinh (thành phố Thủ Đức) là 4,2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá bồi thường thực tế là 73 triệu đồng/m2.

Giữ nguyên bảng giá cũng sẽ dẫn đến không công bằng với các đối tượng sử dụng đất. Đơn cử như giá đất bố trí tái định cư tại thành phố Thủ Đức cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 là 51 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá tại bảng giá đất chỉ 1,5 triệu đồng/m2.

Phương án 2: Điều chỉnh theo hướng lấy giá tại bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K mới nhất. Kết quả vẫn chênh lệch với giá đất bồi thường thực tế rất lớn. Cùng đó, sẽ không công bằng với các trường hợp đã bố trí tái định cư trước đây.

Phương án 3: Để giải quyết tình trạng thiếu giá đất tái định cư, tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư thì điều chỉnh giá đất theo giá thực tế. Đối với các tuyến đường đã thể hiện trong bảng giá hiện hành, giá đất được tính bằng cách lấy giá nhân với hệ số K.

Nếu tính giá đất của các tuyến đường đã thể hiện trong bảng giá hiện hành bằng cách lấy giá nhân với hệ số K sẽ có những hạn chế như phương án 2. Còn việc điều chỉnh giá đất tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư theo giá thực tế sẽ dẫn đến trên cùng một tuyến đường hoặc 2 khu dân cư giáp ranh có 2 mức giá chênh lệch nhau rất lớn, dù điều kiện cơ sở hạ tầng như nhau.

Bên cạnh đó, sẽ có sự không công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Trước đây, giá đất tái định cư được xác định theo giá thị trường, nhưng từ nay phải căn cứ vào bảng giá đất.

Phương án 4: Điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ sở dữ liệu giá đất hiện có được chắt lọc từ các nguồn như: Giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế để cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, phương án này tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện xây dựng quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Thành phố quy định về giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8. Đây là văn bản kiến nghị lần thứ 2 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-27/8, cơ quan này đã tiếp nhận 8.808 hồ sơ đất đai. Trong đó, có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất; 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản; 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính như thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ.

Từ đó, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...) để cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8.

Ngoài ra, để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế và quyền lợi hợp pháp của người dân, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Tổng cục Thuế về việc giải quyết các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính nêu trên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Theo baoxaydung.com.vn


Ý kiến bạn đọc