Tin mới

Tiếp tục ứng phó với đợt mưa mới

15:38, 20/08/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ chiều tối và đêm 20/8 đến đêm 21/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 150mm.  Mưa lớn sẽ kéo dài đến hết ngày 22/8 với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Từ ngày 23/8, mưa mới có xu hướng giảm dần.

 

Do vậy, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại điểm trũng thấp tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh là rất lớn, đề nghị các địa phương chủ động ứng phó.

Dự báo, chiều tối và đêm nay (20/8), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Đêm qua và sáng nay (20/8), một số nơi ở Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa to như: Mường Mươn (Điện Biên) 71.6mm, Cuối Hạ (Hòa Bình) 88.4mm, Minh Thành (Quảng Ninh) 117.4mm, Thạch Quảng (Thanh Hóa) 125.4mm…

Thiệt hại về thiên tai trong 2 ngày qua, theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tỉnh Hà Giang ghi nhận 2 người thiệt mạng vào tối ngày 18/8 (bà Hoàng Thị Khánh, sinh năm 1983; Lý Thị Phương, sinh năm 1979 trú quán tại thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang) khi đi bộ qua tràn suối bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong. Nước lũ cũng đã làm sạt lở và cuốn trôi 500m đường bê tông.

Do vậy, thời điểm này chính quyền và người dân các địa phương cần hết sức đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn, người dân và lực lượng chức năng có thể thường xuyên truy cập để chủ động lên phương án ứng phó.

Các địa phương cần theo dõi thông tin diễn biến đợt mưa, để có các phương án triển khai phù hợp. Một là, rà soát các khu vực xung yếu di dân đến nơi an toàn và khơi thông các dòng chảy. Hai là, tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực sạt lở. Ba là, kiểm tra an toàn hồ đập, đề điều, thủy lợi; các khu hầm mỏ khai thác, để có phương án sẵn sàng xử lý, ứng phó an toàn nhất. Bốn là, sắn sàng phương án tiêu úng nước tại khu dân cư, khu công nghiệp và đô thị.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc