Thúc đẩy hoạt động tái chế và gợi ý chính sách đối với Việt Nam, là nội dung bài viết của chuyên gia Hồ Quốc Thông đến từ Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á, được đăng trên Tạp chí Môi trường vào đầu năm 2024. Theo ông Hồ Quốc Thông, tái chế là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tái chế giúp giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị kinh tế.
Tái chế muốn thành công phụ thuộc vào sự kết hợp giữa thị trường, công nghệ tiên tiến và thay đổi hành vi tích cực. Chính phủ Việt Nam cần thiết lập chính sách, khuyến khích tái chế thông qua các công cụ pháp lý, thị trường, hành vi tích cực. Muốn phát triển thị trường tái chế bền vững, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội và đánh giá toàn diện tác động của chính sách tái chế.
Thị trường tái chế cần được hỗ trợ bởi cơ chế giá cả hợp lý, hay động cơ kinh tế đủ mạnh để khuyến khích việc thu gom và xử lý chất thải một cách hiệu quả. Công nghệ tái chế mới và tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình tái chế, từ việc phân loại rác thải đến tái chế thành sản phẩm mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi hành vi và tăng cường nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp và các tổ chức là yếu tố không thể thiếu, giúp tạo ra một chuỗi giá trị tái chế bền vững. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp một cách hiệu quả, mục tiêu về một nền kinh tế xanh, bền vững và thân thiện với môi trường mới có thể được thực hiện thành công.
Thực tế tại Việt Nam, tái chế đòi hỏi nhiều chính sách phối hợp, cũng như đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả thực thi và kinh tế của từng chính sách.
Một là, tái chế không phải là “lá bùa hộ mệnh”. Tái chế cần đặt trong một bối cảnh môi trường chung và công nghệ tiên tiến để tránh hiện tượng giải quyết một vấn đề môi trường là tái chế, nhưng lại tạo ra vấn đề môi trường khác.
Hai là, Chính phủ cần cân nhắc đồng bộ các công cụ hành vi như truyền thông hay sự tham gia của người nổi tiếng thúc đẩy các sáng kiến môi trường hay nâng cao nhận.
Ba là, vấn đề thu gom tái chế một cách bền vững phụ thuộc rất lớn vào động cơ kinh tế của các bên liên quan, phải mang lại đủ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia vào chuỗi giá trị tái chế.
Bốn là, Chính phủ cân nhắc lồng ghép các chiến dịch truyền thông có sự tham gia của người nổi tiếng trong việc ủng hộ hành vi tiêu dùng xanh và có trách nhiệm. Năm là, khi đánh giá hoạt động tái chế nói riêng hay một chính sách môi trường cần đo lường tác động một cách toàn diện để có cơ sở cho các chính sách trong tương lai. Chính sách tái chế tốt có thể giúp tạo ra một ngành công nghiệp mới; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao ý thức BVMT hay ý thức cộng đồng cho xã hội. Rộng hơn, một chính sách môi trường tốt sẽ tạo ra uy tín của Chính Phủ với cộng đồng.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc