Rừng ngập mặn là hệ sinh thái hiếm có, ngoạn mục và trù phú nằm trên ranh giới giữa đất liền và biển. Các hệ sinh thái đặc biệt này góp phần vào phúc lợi, an ninh lương thực và bảo vệ các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới. Chúng hỗ trợ đa dạng sinh học phong phú và cung cấp môi trường sống có giá trị cho cá và động vật giáp xác. Với tầm quan trọng của hệ sinh thái này, Đại hội đồng UNESCO đã lấy ngày 26 tháng 7 hằng năm là Ngày Quốc tế Bảo tồn Hệ sinh thái Rừng ngập mặn, từ năm 2015 .
Vai trò của rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn là nơi giao thoa giữa đất liền và biển, tạo nên hệ sinh thái quý hiếm, độc đáo và phong phú. Những hệ sinh thái này đóng góp vào cuộc sống, an ninh lương thực và bảo vệ các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới. Hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo nên sự đa dạng sinh học và môi trường phát triển cho các loài như: cá và động vật giáp xác.
Rừng ngập mặn còn là lá chắn giúp phòng hộ ven biển, chống lại các cơn bão, sóng thần, mực nước biển dâng và xói mòn. Nền đất mà cây rừng ngập mặn mọc trên là hệ sinh thái chứa một loại đất giàu carbon dioxide, được gọi là đất than bùn, là nơi có trữ lượng carbon lớn hơn so với các loại thảm thực vật khác trên Trái đất cộng lại.
Tuy nhiên, rừng ngập mặn đang biến mất nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với tổn thất rừng toàn cầu nói chung, đã gây những tác động nghiêm trọng đến sinh thái và kinh tế xã hội. Các ước tính hiện tại chỉ ra rằng, độ che phủ của rừng ngập mặn đã bị giảm đi một nửa trong 40 năm qua.
Thông điệp từ bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, nhân Ngày quốc tế bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn 26 tháng 7 năm nay: “Rừng ngập mặn là cầu nối giữa đất liền và biển”. Qua hoạt động này, UNESCO mong muốn nâng cao nhận thức của con người về tầm quan trọng của các hệ sinh thái rừng ngập mặn: "Một hệ sinh thái độc đáo, đặc biệt và dễ bị tổn thương"; thúc đẩy các giải pháp quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững chúng.
Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ra đời
Trước tốc độ suy thoái và mất đi của hệ sinh thái rừng ngập mặn, UNESCO đang tham gia sâu vào việc hỗ trợ bảo tồn rừng ngập mặn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cộng đồng địa phương ở đó. Việc đưa rừng ngập mặn vào các Khu Dự trữ Sinh quyển, Di sản Thế giới và Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO đã góp phần nâng cao kiến thức, quản lý và bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Hiện tại, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển trên thế giới đang có mặt tại 759 địa điểm, thuộc 136 quốc gia.
UNESCO tiếp tục khôi phục rừng ngập mặn ở bảy quốc gia Mỹ Latinh—Colombia, Cuba, Ecuador, El Salvador, Mexico, Panama và Peru. Dự án này sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho cộng đồng và hỗ trợ việc chia sẻ kiến thức giữa người dân bản địa cũng như cộng đồng khoa học. Ngoài ra, UNESCO cũng đã hỗ trợ sự phát triển của rừng ngập mặn nổi, đồng thời tiến hành nghiên cứu về khả năng cô lập carbon của chúng tại Lusail Marina ở Qatar.
Theo UNESCO, ngoài việc bảo vệ và phục hồi rừng, chúng ta cũng cần nhận thức toàn cầu. Đây là tinh thần của Hội nghị quốc tế đầu tiên về Bảo tồn và Phục hồi rừng ngập mặn diễn ra tại Abu Dhabi từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 năm nay. Bằng cách nâng cao nhận thức về những điều bí ẩn, vẻ đẹp và sự dễ bị tổn thương của rừng ngập mặn, chúng ta có thể bảo tồn chúng tốt hơn.
Hiện UNESCO đã phê duyệt mới 11 khu dự trữ sinh quyển mới tại 11 quốc gia: Bỉ và Gambia lần đầu tiên và hai khu dự trữ sinh quyển xuyên biên giới. Các khu dự trữ sinh quyển mới khác nằm ở Colombia, Cộng hòa Dominica, Ý, Mông Cổ, Vương quốc Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, Slovenia và Tây Ban Nha. Với các khu dự trữ sinh quyển mới này bao phủ tổng diện tích 37.400 km², tương đương với diện tích của Hà Lan.
Thực tế cho thấy, mỗi khu dự trữ sinh quyển góp phần thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững tại địa phương, bảo vệ đa dạng sinh học và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng cũng hỗ trợ cộng đồng địa phương và bản địa thông qua các hoạt động như nông sinh thái, quản lý nước và tạo ra thu nhập xanh. Khu dự trữ sinh quyển góp phần giúp đạt được các mục tiêu do các quốc gia đặt ra khi thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal vào tháng 12 năm 2022.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc