Tin mới

Tổng thể quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia

10:32, 14/06/2024

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 224 phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đầu tháng 3 vừa qua cho giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050. Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia tiên tiến, đồng bộ giám sát được các khu vực trọng yếu về môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới; đẩy mạnh tính liên kết, liên thông với hệ thống quan trắc cấp tỉnh; đảm bảo thông tin quan trắc được cập nhật định kỳ từ địa phương đến trung ương, chính xác, công khai, trên hệ thống thông tin dữ liệu môi trường quốc gia, phục vụ công tác cảnh báo, dự báo và xử lý sớm.

Quy mô mạng lưới quan trắc của quy hoạch

Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại 216 điểm (106 điểm cũ và 110 điểm mới). Trong 216 điểm được quy hoạch gồm 103 điểm đang được duy trì, 96 điểm được thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và 15 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động sẽ được xây dựng mới sau năm 2030.

Đối với các mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt quy hoach 499 điểm (trong đó 368 điểm cũ và 131 điểm được mở thêm). Trong đó 260 điểm quan trắc đang được thực hiện, 216 điểm được thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và 23 trạm quan trắc chất lượng tự động sẽ được xây dựng mới sau năm 2030.

Duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng cửa sông tại 76 điểm, trong đó 32 điểm đang hoạt động, 44 điểm quan trắc tại cửa sông trước khi đổ ra biển, sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021-2030.

Với chất lượng nước biển ven bờ, quy hoạch 70 điểm quan trắc, trong đó 43 điểm hiện đang hoạt động, 27 điểm được xây dựng mới trong giai đoạn 2021- 2030.

Để quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng gần bờ và xa bờ, theo quy hoạch có 39 điểm cần ưu tiên: Khu vực biển miền Bắc, khu vực biển miền Trung, khu vực biển quần đảo Trường sa, khu vực biển thuộc thềm lục địa phía nam, khu vực biển tây Nam bộ. Tần suất quan trắc tối thiểu 2 đợt một năm.

Chương trình quan trắc chất lượng đất quốc gia được xây dựng và thiết kế chi tiết theo các chương trình điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất theo tiêu chí được quy định tại Luật bảo vệ môi trường.

Thiết lập lại mạng lưới mưa axit tại 42 điểm quan trắc, trong đó 11 điểm đang hoạt động và 31 điểm quan trắc được xây dựng mới trong giai đoạn 2021-2030. Mạng lưới này có kết hợp lồng ghép với trạm quan trắc khí tượng bề mặt và quan trắc chất lượng không khí.

Mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học hiện đang được đặt tại các Khu bảo tồn thiên nhiên. Giai đoạn 2021- 2030 và sau 2030 quy hoạch sẽ mở rộng ra các hành lang đa dạng sinh học và khu vực thuộc danh mục bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Ngoài ra, quy hoạch 88 điểm quan trắc nước dưới đất với 60 công trình hiện có và 23 công trình sẽ được thiết lập mới.

Nguồn lực cho thực hiện quy hoạch

Về nhân lực, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có từ các Trung tâm quan trắc môi trường địa phương, điều chuyển bổ sung tương ứng với các điểm, trạm mới. Tuyển dụng, đào tạo lại trong nước và nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quan trắc và phân tích có chuyên môn cao; bảo đảm quan trắc viên được đào tạo có thể thực hiện nhiều loại hình quan trắc; một số đào tạo chuyên sâu thành kỹ thuật viên có năng lực thực hành và vận hành tốt những điểm cũng như mạng lưới quan trắc. Định kỳ tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn đào tạo nguồn nhân lực quan trắc tại các địa phương, hướng dẫn kỹ thuật theo chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm về quan trắc định kỳ, quan trắc tự động; tập huấn kỹ thuật công nghệ mới trong quan trắc và phân tích môi trường.

Đối với thiết bị kỹ thuật, củng cố các phòng thí nghiệm hiện có, từng bước đổi mới trang thiết bị và công nghệ phân tích. Tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật quan trắc tự động, trang thiết bị hiện trường. Đối với đa dạng sinh học, ưu tiên hệ thống thông tin địa lý, các bản đồ, ảnh viễn thám, thiết bị bẫy ảnh, bẫy âm thanh, thiết bị định vị vệ tinh… Quan trắc chất lượng nước, ứng dụng công nghệ quan trắc mới theo hướng sử dụng các thiết bị quan trắc di động,  gắn với các phương tiện trên sông, trên biển. Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ phân tích, xử lý hiện đại trong phòng thí nghiệm; công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lưu trữ dữ liệu lớn. Tao lập hệ thống thông tin dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia phục vụ đánh giá, xử lý, cảnh báo các vấn đề môi trường chính xác và kịp thời.

Xây dựng văn bản ban hành theo thẩm quyền quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quan trắc; truyền nhận, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường để áp dụng thống nhất trong cả.

Kinh phí để thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc quốc gia, được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia góp vốn theo hình thức công tư hoặc xã hội hóa khác.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể cũng đặc biệt coi trọng việc hợp tác quốc tế với các tổ chức nghiên cứu, các mạng lưới quan trắc để đưa các chương trình trao đổi kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu quan trắc theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện phân tích môi trường và các nội dung liên quan đến thực hiện quy hoạch quan trắc môi trường.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc