Mục tiêu chung của phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là nhằm đạt sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Việt Nam đã tham gia vào các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách để hỗ trợ việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đặt ra thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp. Các giải pháp này đã tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực thực hiện; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014) gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể theo 04 chủ đề chính: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương gồm 08 hoạt động; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm 20 hoạt động; thực hiện xanh hóa sản xuất gồm 25 hoạt động; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững gồm 13 hoạt động.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.
Các chính sách về tăng trưởng xanh
Để đảm bảo thực thi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành như: Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng, khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chính sách chi ngân sách nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.
Như vậy, chính sách tăng trưởng xanh đã được chú trọng xây dựng ở nhiều ngành, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Trong thời gian qua, tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan. Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm so với phương án phát triển bình thường. Năm 2023, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,82%/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%… Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lí ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...
Việt Nam xây dựng chiến lược cụ thể cho tăng trưởng xanh
Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể cho tăng trưởng xanh như định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên… Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…
Trên cơ sở Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, khi xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, các địa phương cần bám sát theo 10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên và 08 chủ đề tổng thể. Trong đó, 10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên theo các chủ điểm kinh tế quan trọng gồm: Năng lượng; công nghiệp; giao thông vận tải và dịch vụ logistics; xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lí chất thải, chất lượng không khí; quản lí tài nguyên, quản lí rủi ro thiên tai; kinh tế biển xanh; y tế; du lịch. Cùng với 08 chủ đề tổng thể bao quát các nội dung như thể chế chính sách, truyền thông giáo dục, nguồn nhân lực và việc làm xanh, tài chính và đầu tư xanh, công nghệ đổi mới sáng tạo, hội nhập và hợp tác quốc tế, bình đẳng trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc