Ngày 26/3/2024, Thủ tưởng Chính phủ đã có Văn bản số 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trong đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) về việc triển khai xây dựng các văn bản được giao.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) |
PV: Xin bà cho biết tiến độ triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 của Bộ TN&MT?
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 (riêng Điều 190 và Điều 248 của Luật đã có hiệu lực từ ngày 1/4 vừa qua) đã trở thành sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai. Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai.
Tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 Nghị định và 4 Thông tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đến nay, Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển đã được Chính phủ ban hành. 4 Dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giá đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định; Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp và cho ý kiến đối với nội dung Dự thảo các Nghị định. Gửi lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành, địa phương; đăng tải nội dung Dự thảo các nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, các Dự thảo Nghị định đều được gửi lấy ý kiến và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 6/2/2024, riêng Dự thảo Nghị định quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai được gửi lấy ý kiến 2 lần.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các UBND, các sở, ban ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua tổ chức 4 hội nghị tại các vùng (miền Bắc, miền Trung, Nam Trung Bộ và miền Nam); phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất.
Bộ đã hoàn thiện 4 hồ sơ Dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thẩm định đối với một số Dự thảo Nghị định và Bộ đang giải trình, tiếp thu.
Còn đối với Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ cũng đã chủ động xây dựng nội dung dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, một số hành vi quy định trong Dự thảo Nghị định cần được rà soát để thống nhất với quy định của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nên chưa thể hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tại Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 17/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã cho phép Nghị định này được thực hiện quy trình rút gọn để quy định thời điểm hiệu lực đảm bảo đồng bộ với thời điểm Luật có hiệu lực.
Đối với các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo các Thông tư, các đơn vị cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng bảo đảm thời gian và chất lượng văn bản.
PV: Liệu việc rút ngắn thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành mà Chính phủ giao Bộ có ảnh hưởng tới chất lượng của các văn bản không, thưa bà?
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Theo tôi việc này không ảnh hưởng tới chất lượng của các Dự thảo, Bộ TN&MT đã chỉ đạo xây dựng sớm, trong quá trình xây dựng hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội từ kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới khi được thông qua. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ đã chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, xác định các Dự thảo Nghị định quy định chi tiết của Luật Đất đai chủ yếu là hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nên chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến góp ý của địa phương, doanh nghiệp để hoàn thiện.
Phát huy tinh thần chủ động, “từ sớm, từ xa”, từ khi xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã phân công các cơ quan để xây dựng nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật. Ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, các bộ được phân công xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã tập trung nguồn lực để hoàn thành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đến nay, nhiều văn bản đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định theo quy định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, hoàn thiện dự thảo ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành. Quá trình soạn thảo cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến, có văn bản còn được gửi lấy ý kiến bộ, ngành địa phương 2 lần (như Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai). Điều đó cho thấy tinh thần cầu thị, quan tâm đến chất lượng dự thảo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các cơ quan có liên quan…
PV: Xin bà cho biết những quan điểm cơ bản của Bộ trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật?
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Về quan điểm xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo bám sát quan điểm xây dựng Luật Đất đai 2024 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Quy định chi tiết đầy đủ các điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ quy định; Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm các yêu cầu về biểu mẫu báo cáo, số lượng, thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian thẩm định và linh hoạt phương thức nộp hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ttrong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc