Nhân loại đang phá vỡ mọi kỷ lục về mức nhiệt toàn cầu. Các hệ sinh thái suy thoái và hơn 1 triệu loài sinh vật trên trái đất trước nguy cơ bị xóa sổ. Nhân loại đang đối diện với ba cuộc khủng hoảng lớn: biến đổi khí hậu; mất mát thiên nhiên và đa dạng sinh học; cũng như ô nhiễm và chất thải… Trong Ngày quốc tế Mẹ trái đất năm nay 22/4/2024, với chủ đề "Planet vs Plastic" (Hành tinh chống lại Nhựa), quốc tế đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040. Thông điệp Ngày trái đất là một lời nhắc nhở, với tư cách cá nhân chúng ta có thể cùng hành động, để đảo ngược sự suy thoái của Trái đất về ô nhiễm nhựa.”
Chinh phục ngọn núi nhựa toàn cầu
Bạn nhìn đâu cũng thấy nhựa. Nó có trong quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, bao bì thực phẩm, thiết bị y tế…và danh sách này vẫn tiếp tục kéo dài. Mặc dù nhựa có nhiều công dụng nhưng việc chúng ta nghiện đồ nhựa dùng một lần là thảm họa đối với hành tinh. Có thể mất hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn năm để phân hủy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và tiêu thụ 430 triệu tấn nhựa mỗi năm, 2/3 trong số đó nhanh chóng trở thành chất thải được đổ vào các bãi chôn lấp và gây ô nhiễm hồ, sông, đất và đại dương.
Nhận thức được tác động của nhựa đối với biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, động vật hoang dã và nền kinh tế, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã nhất trí về nghị quyết tạo ra một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý vào năm 2024 để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Trước cuộc họp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) lần thứ tư về thỏa thuận toàn cầu và Kế hoạch hành động của UNEP. Tổ chức Môi trường toàn cầu cho rằng: đã đến lúc đánh bại ô nhiễm nhựa và bộ công cụ đưa ra những gì các cá nhân có thể làm để giúp chấm dứt tai họa môi trường này. Điều này bao gồm việc cắt giảm nhựa không cần thiết, chọn tái sử dụng thay vì mua sản phẩm mới, hỗ trợ các thương hiệu đang thiết kế lại nhựa và cố gắng giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, đồng thời yêu cầu các chính phủ áp dụng chính sách kinh tế tuần hoàn và tăng cường hệ thống quản lý chất thải.
Đồ nhựa dùng một lần nhưng trái đất không thể dùng một lần
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, vật liệu nhựa được phát minh và dần trở thành một phần trong cuộc sống. Khái niệm đồ nhựa dùng một lần, lần đầu xuất hiện trên các thông tin quảng cáo, đã khuyến kích người dùng vứt bỏ các vật liệu này sau mỗi lần sử dụng. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới.
Đồ dùng nhựa từ bát, đĩa, dĩa, thìa, hộp, ống… dùng một lần rồi vứt bỏ được thích nghi nhanh chóng, do tính tiện dụng và giá thành thấp. 75 năm sau, những đứa trẻ vừa mở mắt đã chứng kiến “thế giới dùng một lần rồi vứt đi” như một điều hiển nhiên.
Nhưng thế giới tiện lợi vứt bỏ này, giờ đang phải đối mặt với thảm họa môi trường cho hệ sinh thái của chúng ta. Nó làm ngập cống rãnh, chặn các dòng sông của chúng, làm nghẹt đại dương. Dụng cụ nhựa phân hủy tạo ra các hạt nhựa thấm vào đất vào nước, vào cây trồng, vật nuôi, bay vào không khí và thâm nhập vào cơ thể chúng ta. Chúng ta đã nhận ra rằng thế giới đồ vứt đi này không thể tiếp tục hoạt động nữa.
Nhựa là một phát minh quan trọng. Và chúng ta sẽ tiếp tục cần đến nó như một phần quan trọng của cuộc sống. Nhưng chúng ta cần cân nhắc kỹ về việc sử dụng nó ở đâu và như thế nào? Vật liệu này sẽ giúp chúng ta chế tạo ô tô, tàu thủy và máy bay không phát thải nhẹ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Nó là một thành phần quan trọng trong xây dựng và các thiết bị điện. Trong việc xây dựng cối xay gió và nhiều hơn nữa…
Nhưng chúng ta phải suy nghĩ lại về cách chúng ta sản xuất và sử dụng nhựa một lần. Một đồ dùng nhựa sau khi ra đời, nó được sử dụng trong vài phút, thậm chí vài giây. Nhưng vòng đời của nó trong môi trường lại kéo dài 500 năm, bằng 5 đến 6 cuộc đời một con người cộng lại. Nói cách khác, đồ nhựa chúng ta dùng hôm nay thì tời đời chút chit của chúng ta mới có thể phân hủy.
Mỗi năm trên thế giới có 430 triệu tấn nhựa được sản xuất và tiêu thụ, và 2/3 trong số chúng là vật liệu để dùng một lần. Như vậy, bao lâu nữa đồ nhựa sẽ giăng kín trái đất với tuổi thọ nó gấp 5 lần con người? Và khi đó con người và hệ sinh thái của mình sẽ ở đâu trên trái đất này? Trái đất của chúng ta dùng nhiều lần, sao có đủ sức chứa cho những đồ vật chỉ dùng một lần? Thế giới đang kêu gọi các công dân trên toàn cầu, hãy ngừng ngay việc sử dụng đồ nhựa một lần càng sớm càng tốt.
(còn nữa)
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc