Vừa qua, tại Hội thảo quốc tế “Bảo vệ, phục hồi và phát triển Tài nguyên nước (TNN): Khoa học, chính sách, thực tiễn”, ông Nguyễn Chí Nghĩa- Liên đoàn trường, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đã có bài tham luận đề cập đến những giải pháp phục hồi sông đô thị trên thế giới và bài học cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chí Nghĩa, khái niệm khôi phục là lấy lại những gì đã bị phai mờ, bị hư hại theo thời gian gian, để trở lại cái tình trạng ban đầu. Khái niệm này thường sử dụng cho dạng vật chất như: cầu cống, kênh mương và đáy các con sông… Còn khái niệm phục hồi là làm trở lại như cũ những cơ thể sống, dạng vận động hay môi trường sinh thái sau một thời gian đã suy giảm.
Cách phục hồi các dòng sông trên thế giới trước những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là tập trung vào việc kiểm soát lũ, chứ không phải là chất lượng nước và môi trường. Ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng ngập úng vẫn diễn ra ở các đô thị khi mưa có cường độ lớn.
Những năm 80 thế kỷ trước, các đô thị trên thế giới áp dụng phương pháp đóng kín mặt các dòng sông. Dòng sông được cống hóa để nước chảy ngầm. Nhưng biện pháp này bộc lộ hạn chế lớn, vì các vấn đề môi trường nước từ các dòng sông không được xử lý mà chảy từ vùng này sang vùng kia. Mặc dầu vậy, ở Việt Nam trong khoảng 5- 10 năm gần đây lại áp dụng phương pháp này.
Để đạt được mục tiêu cải thiện môi trường nước ở các dòng sông đô thị, vào những năm 90 của thế kỷ trước, các đô thị trên thế giới đã phục hồi dòng chảy như ban đầu của các dòng sông. Bên cạnh đó, các đô thị này cũng đã cấm giải pháp cống hóa hay kín hóa đối với các con sông.
Còn từ những năm 90 đến nay, người ta kết hợp nhiều phương pháp từ vật lý, hóa học, sinh học và các giải pháp công nghệ tiên tiến để phục hồi các dòng sông theo hướng sinh thái, tuần hoàn. Trước đây, người ta coi nước thải ở các dòng sông là nước bỏ đi. Hiện nay, nước thải tứ các dòng sông đô thị được thu hồi, xử lý và tái sử dụng trong phạm vi và mục đích khác nhau.
Từ những bước đi phục hồi của các dòng sông đô thị trên thế giời, hiện nay, theo nhóm nghiên cứu của ông Nguyễn Chí Nghĩa, các dòng sông đô thị ở Việt Nam cần tiến hành 4 bước cụ thể: Một là, xác định tính chất, yếu tố gây suy thoái nước của mỗi dòng sông. Vì mỗi dòng sông phải chịu những áp lực suy thoái khác nhau. Hai là, thiết lập các mục tiêu phục hồi. Căn cứ vào các hiện trạng sự phát triển của dòng sông, cũng như định hướng của đô thị gắn với dòng sông đó để có các mục tiêu. Các mục tiêu cần gắn với những khoảng thời gian và sát với nguồn lực để dễ thực hiện. Ba là, hình thành theo các kịch bản phục hồi, gồm các giải pháp kỹ thuật và truyền thông. Bốn là, tổ chức thực hiện. Hoạt động này đòi hỏi sự tham gia và chung tay của cả cộng đồng. Bên chủ trì thực hiện cần xây dựng được kịch bản phục hồi sông có sự tham gia trực tiếp của các đối tượng có liên quan đến hệ sinh thái của dòng sông.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc