Hội nghị quốc tế về Giáo dục môi trường của Liên hợp quốc tổ chức tại Tbilisi vào năm 1977 đã đưa ra khái niệm: “Giáo dục môi trường có mục đích làm cho cá nhân và các cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo là kết quả tương tác của nhiều nhân tố sinh học, lý học, xã hội, kinh tế và văn hóa; đem lại cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và kỹ năng thực hành để họ tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng môi trường”.
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam như: Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ rõ: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới”. Chỉ thị đã đưa ra 8 giải pháp lớn về bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp đầu tiên là: “Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”.
Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đã luôn được chú trọng. Giáo dục về pháp luật môi trường được thực hiện thông qua các chương trình chính khóa và ngoại khóa ở các cấp học, từ mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường cao đẳng và đại học trong phạm vi cả nước. Nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách giáo khoa, sách tham khảo về bảo vệ môi trường đã được biên soạn và phát hành.
Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong các cấp học nhà trường và tiếp nối thành công của Hội nghị thượng đỉnh Thanh thiếu niên toàn cầu các mùa trước, năm 2024 Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Thanh thiếu niên toàn cầu - Global Youth Summit 2024” (GYS 2024) với chủ để “Hành động xanh - Giảm nhanh carbon” tại 02 tỉnh:
- Thời gian địa điểm:
GYS 2024 khu vực miền Bắc: Từ ngày 01 - 06/7/2024 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham - Ninh Bình.
GYS 2024 khu vực miền Nam: Từ ngày 24 - 29/7/2024 tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - Vũng Tàu.
- Quy mô: dự kiến hơn 300 thanh thiếu niên quốc tế (độ tuổi 12 - 20) đến từ các nước: Việt Nam, Singapore, Africa, Cambodia, Indonesia, Đài Loan, Úc cùng các đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế, Bộ Ban ngành liên quan.
- Nội dung: Hội nghị hướng đến kêu gọi thế hệ trẻ - thế hệ được trao quyền hành động trong tương lai để cùng nhau hành động xanh, sống xanh, giảm dấu chân Carbon từ những hành động nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày để hướng tới Net - Zero vào năm 2050 theo định hướng cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ đầu mối: Bà Nguyễn Thị Nhiên, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, điện thoại: 093.606.6556, email: nhien.monre@gmail.com.
Thực hiện: Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc