Luật Tài nguyên nước năm 2023 với 10 chương và 86 điều, đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, và có hiệu lực vào ngày 1/7/2024. Luật đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới sau đây: Một là, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Hai là, điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước. Ba là, quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước. Bốn là, điều hoà, phân phối tài nguyên nước. Năm là, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Sáu là, phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra. Bảy là, công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Tám là, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước. Chín là, thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước. Mưới là, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Trong các điểm mới đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”; “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc