Các địa phương cùng kiểm soát nguồn nước thải; các bộ, ngành giám sát chặt chẽ, xử lý vi phạm kịp thời. Đó là những giải pháp mà các ngành, các địa phương đang cùng nhau vào cuộc nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước tại một trong những điểm nóng môi trường phía Bắc - hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Đầu tư hạ tầng xử lý liên địa phương
Nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 là khoảng 438.899 m3/ngày đêm. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 72%) của 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương.
Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp |
Hiện một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường, chất lượng nước vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phục vụ cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp.
Theo bà Trần Thị Ngọc Linh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc cho biết: Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương đã có cùng mối quan tâm chung tới công tác đầu tư cơ sở hạ tầng. Tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh, thành có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng phát sinh nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi, do phần lớn cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định.
Đối với hoạt động thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, TP. Hưng Yên đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 6.300 m3/ngày đêm. TP. Hải Dương đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 13.000 m3/ngày đêm và đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án xây dựng đường ống thu gom tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải công suất 12.000 m3/ngày đêm.
Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án, kinh phí đầu tư và thống nhất địa điểm xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Lương Tài. TP. Hà Nội đã lập kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, An Lạc, Đông Dư, Phú Thị để xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất khoảng 70.000 m3/ngày đêm.
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã lắp đặt 1 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục trên sông Cầu Bây. Tỉnh Hải Dương đã lắp đặt 4 trạm và tỉnh Hưng Yên lắp đặt 4 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục. Các số liệu quan trắc được kết nối trực tuyến về Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng và các lưu vực sông nói chung.
Chú trọng thanh, kiểm tra
Những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải luôn được chú trọng thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương. Hoạt động thanh tra đã phát hiện và xử phạt nhiều vi phạm về lĩnh vực BVMT, qua đó đã giảm thiểu đáng kể các sự cố, điểm nóng về môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2018 - 2022, Bộ đã phối hợp với các ngành chức năng 4 tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 835 cơ sở hoạt động trên địa bàn các tỉnh thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền trên 25,7 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến tháng 7/2023, lực lượng công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với 562 vụ vi phạm pháp luật về BVMT với tổng số tiền khoảng 19,2 tỷ đồng. Đồng thời lập danh sách các điểm xả thải chính và lập hồ sơ quản lý, theo dõi đối với các cơ sở có nguồn thải lớn.
Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp chủ trì Đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên để nắm bắt thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ về tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trước đó, tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện gồm: Quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT; quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT…
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý và có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn trên cả nước.
Riêng đối với TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung khẩn trương huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trước khi thải ra sông Cầu Bây, sau đó ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc