“Với quyết tâm góp sức hiện thực hóa Đề án 1 tỷ cây xanh cũng như cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái 2021-2030”, Bộ TN&MT phát động tết trồng cây đồng thời chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ và có tính toán lượng hấp thụ carbon, tình hình sinh trưởng hàng năm của rừng trồng”
Ông Cao Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi về phong trào tết trồng cây và Đề án 1 tỷ cây xanh.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT |
PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của Tết trồng cây trong giai đoạn hiện nay?
Ông Cao Minh Tuấn: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều","Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây". Từ đó đến nay, lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc trồng cây thực sự đã trở thành ngày hội, một việc làm có ý nghĩa để góp phần bảo vệ môi trường.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quan điểm, định hướng lớn và chương trình, kế hoạch cụ thể về trồng cây bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cả nước đã phát động hàng ngàn phong trào, các chương trình có quy mô lớn như: "Chương trình trồng 5 triệu hecta rừng", "Chương trình phủ xanh đất đồi trọc", "Chương trình trồng 1 triệu cây xanh", "Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh"… Từ đó, nước ta có hàng triệu cây xanh, hàng vạn héc ta rừng được trồng thêm mới.
Ngày nay, trước tác động của biến khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi quốc gia. Tết trồng cây lại càng có ý nghĩa to lớn trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi công dân về tầm quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ môi trường sống, bảo tồn đa dạng sinh học; trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những vùng ven biển có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm bớt những hậu quả do thiên tai… đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, đốt rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật.
Sau 3 năm thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước đã trồng mới được gần 770 triệu cây xanh các loại. Góp phần vào thành tựu chung đó, với khẩu hiệu “Trồng thêm 1 cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã luôn tham gia tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trồng cây, trồng rừng với nhiều cách làm hay, thiết thực và hiệu quả. Việc trồng cây chỉ là việc bắt đầu, việc chăm sóc giữ gìn để cho cây phát triển tốt và thường xuyên bổ sung, trồng thêm mới nhiều cây xanh hơn nữa là việc làm hết sức quan trọng, là trách nhiệm của mỗi chúng ta và toàn xã hội. Mỗi cây được trồng sẽ đem đến màu xanh cho cả xã hội, những thế kỷ xanh sẽ mãi nối tiếp nhau góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây năm 2024 tại Bắc Giang. Ảnh: Khương Trung |
PV: Xin ông chia sẻ về kết quả hoạt động trồng cây của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sự đóng góp của ngành tài nguyên môi trường cho phong trào trồng cây, thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh thời gian qua?
Ông Cao Minh Tuấn: Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, từ năm 2021-2023, Bộ TN&MT luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các nội dung theo Quyết định số 524/QĐ-TTg; thực hiện đăng tải các tin bài trên Cổng thông tin điện tử, Báo địa phương, truyền hình, nhằm tuyên truyền, truyền thông về Chương trình trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, phục hồi rừng đầu nguồn và trồng cây phân tán tại đô thị và nông thôn góp phần cải thiện môi trường, tạo sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị chức năng đã triển khai thực nhiều hoạt động trồng cây. Đồng thời, phối hợp các cơ quan, tổ chức, địa phương để phát triển phong trào trồng cây, điển hình như phối hợp thực hiện các chương trình “Tết trồng cây” hàng năm; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”; “Toyota chung tay xanh hóa học đường”; “Hành động vì một Việt Nam xanh”; Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic”… Qua các chương trình này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trên cả nước đã cùng chung tay, chung sức góp phần tăng diện tích phủ xanh tại các đô thị, các khu di tích, phục hồi các hệ sinh thái tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…
Kết quả sau 3 năm, Bộ TN&MT đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, đóng góp từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng 997.456 cây trên các địa điểm tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Hà Nội, Tuyên Quang, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây xuân Giáp Thìn”, khởi động Tháng Thanh niên 2024”. |
PV: Thưa ông, trồng cây không chỉ có nỗ lực của 1 bộ, ngành, địa phương hay đơn vị, mà quan trọng là huy động được sự tham gia của cộng đồng để cùng chăm sóc, giữ gìn những khoảnh rừng mới đến khi cây đủ lớn và cho thấy hiệu quả phục hồi hệ sinh thái. Đó là cả một quá trình dài, vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Bộ TN&MT trong vấn đề này?
Ông Cao Minh Tuấn: Trước tiên cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến đến toàn cộng đồng để không chỉ trồng cây vào dịp Tết đến, Xuân về mà trồng cả vào mùa xuân, trồng cây trong cả năm khi điều kiện thời tiết thích hợp. Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Do đó trồng nhiều cây xanh sẽ góp phần vào hành động cùng nhau bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, thảm thực vật, đa dạng sinh học nhằm nâng cao sinh kế người dân, hạn chế bệnh tật, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.
Bộ đã chủ động phối hợp các cơ quan, tổ chức, địa phương để phát triển phong trào trồng cây được lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp xây dựng đề án quản lý cây xanh khả thi và hiệu quả cao. Tất cả diện tích rừng được trồng đều ký cam kết và giao cho Ban quản lý rừng, địa phương, người dân chăm sóc, bảo vệ và xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy cho rừng, ước lượng tính toán lượng hấp thụ carbon, tình hình sinh trưởng hàng năm của rừng trồng.
Chúng tôi cũng đã xây dựng bản đồ quản lý cơ sở dữ liệu, theo dõi sinh trưởng và phát triển cây, góp phần giúp tổ chức, người dân quản lý rừng theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trên cơ sở xây dựng bản đồ quản lý sinh trưởng và phát triển cây đã tạo lập Web:tycayxanh.tainguyenmoitruong.gov.vn là địa chỉ kết nối giữa các tổ chức, địa phương và người dân trên khắp miền tổ quốc có mong muốn đầu tư phát triển rừng bền vững tạo sinh kế, nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo biên giới của tổ quốc.
Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đã thu hút người dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động trồng cây. Ảnh: Võ Hà |
PV: Xin ông chia sẻ về các hoạt động tham gia Đề án 1 tỷ cây xanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2024, thưa ông?
Ông Cao Minh Tuấn: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mừng xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Khu quần thể sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử. Trong dịp này, Ban tổ chức đã tiến hành trồng 100 cây lâu năm, bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế và tạo cảnh quan môi trường cao như: lát hoa, sao đen, chò chỉ, trám, nhội và cây hoa, cây ăn quả...đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Chương trình “Lễ ra quân Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn, Tháng thanh niên năm 2024”, Ban tổ chức đã trồng 300 cây Hoa ban tím từ mảnh đất Điện Biên anh hùng, tại quê hương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót và 10.000 cây phi lao chắn sóng (trong tổng dự án trồng 120.000 cây phi lao) tại bãi biển Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự kiến năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức các chương trình trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây. Các cây xanh được trồng dựa trên các căn cứ khoa học cụ thể, phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, theo quy trình đầy đủ chăm sóc, theo dõi, quản lý tại từng địa phương góp phần thực hiện quyết tâm mạnh mẽ trong hành động hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại các Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) và hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái 2021-2030” do Liên Hợp quốc phát động.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc