Từ ngày 26/2 đến ngày 1/3, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon cho các cơ quan nhà nước liên quan, các tổ chức và các doanh nghiệp tại Hà Nội. Các khóa đào tạo này là một phần trong hoạt động hỗ trợ của ETP nhằm thúc đẩy triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam.
Nhu cầu thực từ địa phương, doanh nghiệp
Hiện nay, Chính phủ đã có quy định thành lập thị trường các-bon tại Việt Nam và giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu từ năm 2025. Thời gian qua, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các quy định pháp luật liên quan đã được triển khai, tuy nhiên, hiểu biết về thị trường các-bon, đặc biệt là hệ thống giao dịch hạn ngạch còn khá hạn chế.
Phân biệt loại hàng hóa trong thị trường các-bon. Nguồn: Roxanne Tan - Quản lý cấp cao về Chính sách khí hậu, tài chính và thị trường các-bon, Tập đoàn South Pole |
Đơn cử tại tỉnh Tuyên Quang, địa phương có diện tích rừng lên tới hơn 400 nghìn ha, bao gồm 230 nghìn ha rừng tự nhiên và 200 nghìn ha rừng trồng nên có tiềm năng lớn về tín chỉ các-bon rừng. Theo ông Triệu Đăng Khoa - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng thí điểm dự án tạo tín chỉ các-bon đối với rừng trồng và hiện đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, triển khai thực hiện. Đối với rừng tự nhiên, tỉnh đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) để đánh giá trữ lượng tín chỉ các-bon.
Các cán bộ lâm nghiệp cùng với cơ quan tư vấn cũng tiến hành đánh giá sơ bộ khả năng cung cấp tín chỉ các-bon ra thị trường và sắp tới sẽ tham vấn các cơ quan liên quan về các hành động chuẩn bị cụ thể cho việc tham gia thị trường, ngay khi các quy định liên quan có hiệu lực. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thể chế, chính sách liên quan đến thị trường các-bon còn đang thiếu. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã có dịch vụ môi trường rừng về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Tuy nhiên, Nghị định lại chưa có hướng dẫn cách tính cũng như thu hoạch tín chỉ các-bon như thế nào. Mặt khác, thị trường các-bon là vấn đề hoàn toàn mới đối với địa phương, bởi vậy, rất cần có các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực để các cán bộ quản lý có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả các quy định liên quan trong thời gian tới.
Theo một khảo sát mới đây, có tới hơn 60% doanh nghiệp không hiểu về cách hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS) và thị trường các-bon hoạt động, hoặc có hiểu nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản. Chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp nắm được sự khác nhau giữa hai hệ thống này và sự tương tác trên sàn giao dịch các-bon.
Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cũng đã thực hiện khảo sát vào cuối tháng 12/2023 trên 237 doanh nghiệp phát thải lớn, có tên trong danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả cho thấy phần nào nhu cầu tăng cường nhận thức trong vấn đề này trong doanh nghiệp, và ngay cả đối với các cơ quan quản lý liên quan.
Thúc đẩy triển khai thị trường các-bon
Bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trong khi thị trường các-bon mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi tín chỉ các-bon từ Việt Nam trên thị trường các-bon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000. Việt Nam hiện đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới; là 1 trong 4 nước có nhiều dự án tín chỉ theo Cơ chế phát triển sạch đăng ký nhất.
Để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại Điều 139 và quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Do vậy, việc hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế rất quan trọng và cần thiết.
Đại diện Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Châu Á (ETP), bà Fritzie Vergel bày tỏ, khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư. Đây là một chương trình toàn diện có hệ thống về ETS và thị trường các-bon kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường.
Đối với Việt Nam, việc xây dựng một hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải hiệu quả đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải và cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, hệ thống giao dịch hạn ngạch tạo ra các động lực kinh tế giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lượng phát thải KNK phù hợp với điều kiện của mình. Ngoài ra, doanh thu từ việc đấu giá hạn ngạch có thể được tái đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu, hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của quốc gia trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.
Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), thông qua khóa đào tạo, các bên liên quan sẽ hiểu biết rõ ràng về hoạt động của Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải, đặc biệt là hai loại hàng hóa chính trên thị trường là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Việc hiểu rõ vị trí, vai trò của mình trong việc phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam sẽ giúp các bên chủ động chuẩn bị sẵn sàng tham gia khi thị trường các-bon Việt Nam thực hiện thí điểm năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028 theo quy định pháp luật; cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ để thiết lập và vận hành thành công thị trường.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc